Những hình ảnh đuợc trưng bày tại Hồng Anh Thư Quán
Vào thập niên 20 của thế kỷ XX, khi phong trào cách mạng dâng cao ở khắp nơi trong cả nước, tại tầng 2 nhà số 43 đường Phạm Văn Ký, phường 2,Thành phố Cà Mau (ngày nay) đã hình thành cơ sở chi hội hoạt động cách mạng là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội có tên là Hồng Anh Thư Quán. Nơi đây có nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin trong lòng mọi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cơ sở của Đảng Cộng sản được ra đời tại Cà Mau. Hồng Anh Thư Quán đã từng là hiệu sách của chi hội, cung cấp các loại sách, báo tiến bộ được xuất bản tại Sài Gòn, trong đó có “Tư Bản Luận” của Mác và Ăng-ghen. Năm 1992, Hồng Anh Thư Quán được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng.
Địa chỉ: số 43 Phạm Văn Ký P.2 Tp. Cà Mau
2. Quan Âm Cổ Tự
Quan Âm Cổ Tự tọa lạc tại số 84/4 đường Rạch Chùa phường 4 thành phố Cà Mau. Chùa do hòa thượng Tô Quang Xuân dựng và khoảng giữa thế kỷ XIX. Lúc bấy giờ, chùa là một am nhỏ để Ngài tu hành và chữa bệnh cho dân. Sau này Ngài về tu tại chùa Kim Chương (Gia Định) và lấy pháp hiệu là Trí Tâm. Năm 1842 vua Thiệu Trị sắc phong Hòa Thượng cho Ngài và sắc tứ cho Chùa Quan Âm.
Kiến trúc ngày nay của chùa do Hòa Thượng Thiện Tường và Thiện Đức xây dựng vào năm 1936. Trong chùa ngoài “Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự” và tháp Hòa Thượng Trí Tâm còn có một số hiện vật như: tượng phật, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, các bức hoành phi, câu đối và nhiều đồ thờ phụng khác như những di vật Phật giáo của thời kỳ khẩn hoang. Mặc dầu không phải là một công trình kiến trúc đồ sộ nhưng đây là một nơi gắn liền với đời sống tâm linh của người dân Cà Mau. Đặc biệt, trong thời kỳ chiến tranh, đây là nơi nuôi dấu các chiến sỹ cách mạng và không ít các nhà sư của Quan Âm cổ tự thành liệt sỹ. Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhân là di tích lịch sử, kiến trúc vào năm 2002.
3. Chùa Bà Mã Châu
Chùa Bà Mã Châu nằm trên đường Lê Lợi ngay trung tâm thương mại của thành phố Cà Mau. Chùa được xây dựng từ năm 1882, chùa là biểu tượng văn hóa tâm linh của người Hoa nơi đây. Chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, người quê Phù Điều, Phúc Kiến, Trung Quốc. Tương truyền Bà sinh sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ X. Cả cuộc đời Bà dành để cứu giúp dân nghèo và sau khi qua đời Bà tiếp tục độ cho ngư dân vượt qua bão táp, hoạn nạn tới chốn bình yên. Nhờ tài năng, đức độ Bà được nhân dân tôn thờ là “Thần Biển” và đến đời vua Càng Long nhà Thanh đã phong cho Bà là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Chùa có nét kiến trúc cuối đời Minh, với hình quả ấn nhìn từ chính điện. Mái chùa có những đầu đao cong vút. Bên trong lại có lối kiến trúc Thiên tình (Giếng trời). Chùa cất bằng chất liệu bền vững với các bệ đá được chở từ cảng Hạ Môn – Phúc Châu (Phúc Kiến). Các bệ đá này ngày nay vẫn bền chắc,dù đã trải qua bao thế hệ tồn tại. Hàng năm nhân dân trong vùng đến chùa Bà để tham quan, chiêm bái, tạ ơn, cầu an rất đông. Đặc biệt vào ngày vía Bà 23/3 âm lịch (tương truyền là ngày sinh của Bà ).
4. Chùa Hưng Quảng
Chùa Hưng Quảng tọa lạc ở số 26 đường Phan Ngọc Hiển, ngay trung tâm thành phố Cà Mau. Chùa được xây dựng từ những năm 1950 thuộc Tịnh Đô Cư Sĩ Phật hội Việt Nam và được trùng tu năm 1963. Có thể nói đây là một trung tâm khám chữa bệnh từ thiện, vì trong chùa có lập phòng thuốc nam Phước Thiện từ năm 1954 và đã hoạt động cho đến nay.
5. Chùa Monivonsa BoPharam (Chùa Khmer)
Chùa Khmer tọa lạc ngay trung tâm thành phố Cà Mau. Chùa là một quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hóa của người Khmer Nam Bộ, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, các hàng cột, vách… Chùa gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp để cốt, am…Chính điện là nơi thờ tự chính trong chùa, nằm ở vị trí trung tâm khuôn viên trên nền cao 1.5m, Chính điện được chia làm nhiều cấp, bậc và có hành lang bao quanh. Bên trong chính điện là hai hàng cột cao và to nâng đỡ mái chùa. Mái chùa được cấu trúc thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tỏa ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Bên trong Chính điện là một bàn thờ Phật với một tượng Phật to lớn đặt cao hơn hết. Bên dưới là tượng Phật trong nhiều tư thế khác nhau, các thời kỳ hóa thân của Phật. Bàn thờ Phật được trang trí với nhiều hoa văn, điêu khắc phong phú. Trên vách, trên trần và các cột chùa được trang trí bằng nhiều màu sắc, bằng các phù điêu bích họa. Đặc biệt là các bích họa kể lại cuộc đời của đức Phật và chuyện Riêm – kê, tức trường ca Ra-ma-za-ma do họa nhân Danh Bên ở Cà Mau khắc họa.
Sala là nhà hội của sư sãi và các tín đồ Phật giáo Khmer. Trong gian sala có bàn thờ Phật và các ghế, sàn là nơi các tín đồ bàn bạc, chuẩn bị trước khi lên Chính điện hành lễ. Trên vách và trần sala được trang trí các họa tiết, bích họa. Chùa có khu vực hỏa thiêu với một nhà thiêu kiến trúc đơn giản, nằm xa trung tâm chùa. Tháp để cốt được xây dựng trong khuôn viên chùa, quanh chính điện. Ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa còn là trung tâm văn hóa giáo dục dành cho người Khmer sống quanh vùng. Trong khuôn viên chùa có trường dạy chữ Khmer, dạy kinh…, là nơi lưu giữ các tập truyên kể dân gian xưa và nay, các vốn văn hóa truyền thống. Đối với dân tộc Khmer, tính cộng đồng rất cao, ngôi chùa là nơi thiêng liêng nhưng cũng rất gần gũi.
Khi vào chùa, khách thăm viếng nhớ phải bỏ mũ nón, đi chân không. Chùa là nơi thể hiện rõ nét những tập tục, cũng như những bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer Nam Bộ.
Từ năm 1985 đến nay, Đại đức Thích Hà – Trưởng ban đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau giữ trụ trì, với sự tín nhiệm của cộng đồng Khmer và uy tín với xã hội đã giúp cho chùa nói riêng và bà con dân tộc Khmer nói chung có nhiều chuyển biến tích cực. Được sự quan tâm của chính quuyền địa phương cũng như đồng bào Phật tử trong và ngoài nước ủng hộ vật chất góp công sức xây dựng Chính điện, dự kiến khánh thành vào năm 2008. Đây sẽ là chính điện lớn nhất của tỉnh Cà Mau và là chính điện có kiến trúc độc đáo nhất của người Khmer Nam Bộ.
Hàng năm vào ngày 30/8 và 1/9 Âl diễn ra lễ Sendolta là lễ hội lớn nhất trong năm của người Khmer.
Địa chỉ: Đường Lý Văn Lâm, P.1, Tp Cà Mau
6. Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm
Những người Hoa di cư vào đất Cà Mau từ rất sớm, theo sự truyền tụng từ lâu đời người Hoa vào đất Cà Mau lập nghiệp từ hai con đường, thứ nhất là đường biển với những con tàu cập bến Hà Tiên rồi đi qua Cà Mau sinh sống, thứ hai là đường bộ từ Đồng Nai, Biên Hòa tràn xuống vùng đất miền Tây hoang sơ này. Một đặc tính của người Hoa là dù đi bất kỳ nơi đâu vẫn phát huy và phát huy có tác dụng cho cộng đồng: đó là sự kết hợp với nhau thành hội đoàn, những Hội đoàn này có thể theo họ hàng hoặc vùng miền nơi cố hương. Chính những cộng đồng có tính bền vững này mà họ đã tương trợ lẫn nhau nơi đất khách quê người, cùng nhau thăng tiến. Ngay tại chính mãnh đất Cà Mau này, những người Hoa đầu tiên cũng họp nhau thành những nhóm, cùng nhau chọn mãnh đất màu mỡ này làm quê hương thứ hai – quê hương mà họ sẽ gắn bó trọn cuộc đời còn lại của mình. Đã là quê hương thì có nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi làm chốn nương thân cho cõi tâm linh của mình để mơ về một cuộc sống tâm hồn bình ổn hơn.
Ngay từ những buổi sơ khai, những người Hoa ở phường 2 Thành phố Cà Mau bây giờ đã cùng nhau tạo dựng nên một Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm – một ngôi chùa theo đạo Phật nhưng thuộc hệ phái cư sĩ – một hệ phái tu tại gia, hệ phái lấy tu tại tâm là chính yếu bởi sự suy cho cùng, Phật chẳng đâu xa, Phật luôn trú ngụ trong mỗi tâm hồn của chúng ta (theo kinh Phật).
Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của những người Hoa quanh vùng. Qua bao nhiêu biến cố, Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm đã được tái tạo một cách nghiêm trang như ngày nay. Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm ngoài việc thờ phượng chính là Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát – theo truyền thuyết của đạo Phật, một vị Bồ Tát luôn xuất hiện giúp đỡ con người trong những cơn nguy khốn của cuộc đời, thì Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm còn thờ những tổ tiên người Hoa xưa kia..
Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm tọa lạc ngay bến Bạch Đằng phường 2 Thành phố Cà Mau.
7. Thánh Thất Cao Đài
Ở Cà Mau đạo Cao đài được hoạt động khá sớm. Những tín hữu của đạo đã cùng nhau xây dựng một Thánh thất bề thế tại phường 5 vào năm 1960. Thánh thất được phân ra làm 3 khu vực chính: phía ngoài là Hiệp Thiên đài là nơi giữ luật đạo, nơi này được thông thiên với đức chí tôn. Ngay giữa Thánh Thất được gọi là Cữu Trùng đài – đây là cơ quan hành đạo. Phía trong là Bát Quái đài, nơi thờ phương những linh hồn…
Thánh Thất Cao đài nơi nào cũng có một tháp chuông và một tháp trống bát nhã làm tôn vinh vẻ đẹp uy nghi cho Thánh thất.
Đạo cao đài thờ Thiên Nhãn và xem đây là con mắt của đấng tối cao nhìn xuyên suốt mọi sự hiện hữu và vô hình của vũ trụ. “Thiên Nhãn” được dùng làm biển hiệu cho đạo. Đặc biệt Đạo cao đài thờ cả Phật, Chúa, Khổng tử, Lão tử, Trang tử, Tiên, Thánh…
Cũng như với những đạo khác, đạo hữu cao đài cũng có một nơi để gửi gắm cõi tâm linh cho riêng mình.
Địa chỉ : Phan Ngọc Hiển, phường 5, Tp Cà Mau
8. Đình Tân Hưng
Đình Tân Hưng thuộc ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm Tp. Cà Mau 4km về phía nam, trên tuyến kênh rạch Rập, đường đi huyện Cái Nước.
Đình được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích năm 1992. Đình được xây dựng năm 1907, trải qua thời gian chiến tranh, đình bị hư hỏng toàn bộ. Trên nền đó, người dân địa phương cho dựng một ngôi đình khác nhỏ hơn gồm một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, trên nóc đúc hai rồng chầu. Phía trước đình có bức bình phong bằng gạch đắp hình hổ, hai bên có hai trụ gạch vuông, đỉnh trụ đắp hình hai bông sen. Hai bên sân có hai miếu thờ nhỏ.
Đình Tân Hưng là nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930). Đây còn là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau.
Ngày nay, để ghi dấu di tích cách mạng này Ngành Văn hóa đã cho đắp một bức phù điêu và xây dựng một nhà Lưu niệm mặt trận Tân Hưng để nhân dân khắp nơi về đây thưởng lãm và nhớ về một truyền thống hào hùng của cha anh.
9. Chùa Cao Dân
Chùa Cao Dân nằm bên bờ sông Bạch Ngưu xã Tân Lộc huyện Thới Bình,
chùa Cao Dân là một trong những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer có truyền thống cách mạng lâu đời – là nơi nuôi dấu cán bộ hoạt động trong hai cuộc kháng chiến và cũng là điểm sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng tôn giáo của người Kinh, người Khmer quanh vùng. Tại đây có rất nhiều vị sư và achar đã trưởng thành trong cách mạng, nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, tiêu biểu là cố Đại Đức Hữu Nhem người trùng tu chùa Cao Dân.
Chùa Cao Dân là nơi gắn liền với cuộc đời tu học và hoạt động của Đại Đức Hữu Nhem. Tại ngôi chùa này trong thời gian trụ trì Đại đức Hữu Nhem đã góp phần to lớn trong việc kiến thiết xây dựng chùa cũng như xây dựng cơ sở bí mật và vận động cách mạng trong đồng bào người dân tộc, cùng với việc thực hiện nhiều chính sách binh vận của Đảng… Tự hào về nhà sư, liệt sĩ Hữu Nhem, Tỉnh Ủy,Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau quyết định xây dựng tháp cố Đại đức Hữu Nhem tại chùa Cao Dân.
Chùa Cao Dân được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh vào ngày 11 tháng 10 năm 2007.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét