Hoàng Liên Sơn là một dãy núi ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Gọi là Hoàng Liên Sơn vì trên dãy này có nhiều cây hoàng liên, riêng người Thái gọi dãy núi này là Khau Phạ nghĩa là “sừng trời”.
Dãy Hoàng Liên dài 180km, nơi có bề ngang lớn nhất là 75km và nơi hẹp nhất chừng 30km chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Dãy núi bắt nguồn từ xã Pa Vây Sử - huyện Phong Thổ (Lai Châu) rồi bắt đầu trải mình giữa hai tỉnh Lai Châu - Lào Cai cho tới tận Tây Yên Bái. Dãy Hoàng Liên là phần cuối cùng của dãy Ai Lao Sơn và cũng là đoạn tận cùng phía Tây Nam của dãy núi Himalaya.
Thảm thực vật ở đây được chia làm nhiều tầng bậc, dưới chân khối núi là những cây gạo, mít, cơi cơi khá rậm. Lên đến độ cao 700m có vành đai nhiệt đới với những vạt rừng nguyên sinh và hệ ký sinh chằng chịt.
Từ độ cao 700m trở lên là vạt cây hạt trần, gồm 6 họ với 12 loài khác nhau như cây Pơ mu, có những cây to ba bốn người ôm không xuể, cao chót vót đến 50-60m. Bên cạnh Pơ mu còn nhiều loại cây gỗ quý hiếm khác như: lãnh sam, thiết sam, kim sam, hoàng đàn,…
Lên cao hơn nữa là các cây lá kim ken dày với cây gỗ nhỏ, cây bụi thân luôn sũng nước vì càng lên cao khí hậu càng lạnh và mưa nhiều. Ở độ cao 2.400m, gió mây như hoà quyện với rừng cây, có lúc xoè tay tưởng như có thể nắm được mây.
Các vách đá liên tiếp nhô ra tựa răng cưa, những loại cây cỏ mọc lẻ loi bên hốc đá hoặc bám vào các tầng mùn dày.
Từ điểm cao 2.800m trở lên không còn mây mù, bầu trời quang đãng trong xanh, chỉ có gió ào ạt thổi làm cho thảm thực vật dán mình vào đá. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp lè tè khoảng 25-30cm, cả thân trơ trụi, phần ngọn mới có một túm lá phất phơ nên được gọi là trúc phất trần xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ cúc, họ hoàng liên…
Hoàng Liên Sơn còn là vương quốc của các loài hoa: hoa Đỗ quyên, Phong Lan, Hoàng Anh rực rỡ, hoa Bgônha, hoa Etscola.. quý hiếm. Riêng hoa Đỗ quyên có tới 4 chi với hai chục loài khác nhau. Ở nước ta có 111 chi phong lan với 634 loài thì riêng Phan-Xi-Păng có tới 330 loài.
Trên điểm cao 2.936m có cột mốc do người Pháp cắm năm 1905. Đỉnh tột cùng của dãy Hoàng Liên cao 3.143m là một khối đá khổng lồ, ngời sáng kê trên những hòn đá nhỏ giống như chiếc bàn – đỉnh Phan-Xi-Păng. Phan-Xi-Păng là phát âm theo tiếng địa phương “Hua- xi-pan” có nghĩa “phiến đá lớn”
Chúng tôi đã có dịp được đi dọc dãy núi đầy huyền tích này. Chuyến đi theo tỉnh lộ 132, con đường nối Pa Vây Sử với trung tâm huyện Phong Thổ -chạy một chặng 50km xuyên qua khu bảo tồn quốc gia Hoàng Liên rồi bắt sang quốc lộ 4D, theo hướng thị xã Lai Châu đi Tam Đường tới khi gặp ngã ba Bình Lư là đã tới cửa ngõ dẫn lên con đèo Ô Qui Hồ đầy hiểm trở.
Đèo Ô Qui Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất ở miền núi phía Bắc. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D với chiều dài 40km, con đèo uốn lượn quanh dãy núi Hoàng Liên và nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu.
Ở độ cao 2.035m, đỉnh đèo Ô Qui Hồ là ranh giới tự nhiên của hai tỉnh với hai kiểu khí hậu đặc trưng Đông và Tây Hoàng Liên biểu hiện dễ thấy với một bên nắng chói và một bên nhiều mây mù, lạnh giá.
Vào những ngày trời quang mây, ta còn được ngắm những ngọn núi thuộc cụm Thất Chỉ Sơn nhấp nhô như những ngón tay đang chỉ lên trời, thậm chí có thể nhìn rõ cả đỉnh Fanxipan kiêu hãnh phía xa xa.
Phía bên kia đỉnh đèo, theo lộ trình mà chúng tôi đi đã là địa phận Lào Cai. Sau một đêm nghỉ ngơi và trải nghiệm cuộc sống về đêm ở phố núi Sapa, quay trở lại đỉnh đèo để thu vào tầm mắt đỉnh cao nhất của dãy Hoàng Liên một lần nữa rồi chúng tôi chọn đường đi Y Tý. Xã vùng cao này được gọi là thiên đường mây và lúa, trên nhiều đoạn đường mây sà cả xuống ruộng tạo nên những bức tranh vô cùng huyễn hoặc.
Theo con đường tuần tra biên giới qua Lũng Pô, qua chợ Cốc Lếu vang bóng một thời: chúng tôi trên đường đi Bắc Hà, nơi có chợ phiên vùng cao nổi tiếng thu hút được rất nhiều du khách. Từ đó sẽ theo quốc lộ 70 tới ngã tư Bảo Yên để rẽ sang tỉnh lộ 279: con đường quen thuộc của biết bao thế hệ xê dịch.
Gần cuối tỉnh lộ 279 là đèo Khau Cọ, con đèo đánh dấu đoạn cuối cùng của dãy Hoàng Liên Sơn. Xưa kia một thời 'chấm Khau Cọ' 22N104E (nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn Hoàng Liên thuộc huyện Văn Bàn) từng là thách thức ghê gớm nhất dành cho dân đi tìm 'chấm' - điểm mà tại đó đường kinh tuyến chẵn và vĩ tuyến chẵn giao nhau.
Trên suốt 30km đèo quanh co uốn lượn giờ đây vẫn là mây núi trập trùng với một bên là dòng Nậm Chăn, và phía xa là cánh đồng Mường Thanh trù phú cùng khu tái định cư của người Thái. Qua hết con đèo ấy rẽ sang quốc lộ 32 là về tới Mù Cang Chải. Cảm giác tự hào bỗng dấy lên trong tim mỗi người chúng tôi, những kẻ vừa chạy gần 500km đường núi để đi cho trọn dọc ngang một dãy Hoàng Liên hùng vĩ.
Du lịch, GO! góp nhặt, ảnh internet.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét