Ngày 3/9/1969 toàn thể nhân dân Việt Nam bị bao trùm trong buồn đau không kìm được nước mắt vì nhận được tin vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh đã từ trần. Hồ Chủ tịch mất đi là một tổn thất vô cùng lớn lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam và cả nhân loại tiến bộ trên Thế giới.
Để tỏ tấm lòng kính trọng và thương tiếc Người, sau tang lễ Huyện ủy huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Sóc Trăng (Nay là Huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã chỉ đạo và phát động nhân dân trong toàn huyện xây dựng Đền thờ Bác. Địa điểm xây dựng ở ấp Bà Chăng A - Xã Châu Thới - Huyện Vĩnh Lợi.
Tháng 3 năm 1970 Xã ủy Châu Thới thực hiện chủ trương của Huyện ủy Vĩnh Lợi tiến hành xây dựng Đền thờ Bác. Mặc dù bị địch đốt phá hai lần nhưng nhân dân cũng như Xã ủy Châu Thới và Huyện ủy Vĩnh Lợi vẫn quyết tâm xây dựng bằng được Đền thờ Bác và lần này quyết không để địch phá hoại. Xã ủy Châu Thới lập ra ban xây dựng và ban bảo vệ trong lúc xây dựng và sau khi xây xong, lần này xây dựng kiên cố bằng xi măng, cốt sắt.
Công việc mua vật liệu để xây dựng gặp nhiều khó khăn do phải đi qua nhiều đồn bót của địch, nhưng với tấm lòng yêu thương Bác nhân dân xã Châu Thới xung phong đi mua vật liệu, mỗi người mua một ít, mua làm nhiều lần. Khi đã chuẩn bị xong, lúc 10 giờ sáng ngày 25/4/1972 Xã ủy Châu Thới đã làm Lễ khởi công xây dựng Đền thờ Bác. Sau 24 ngày đêm không ngại đạn pháo của địch, nhân dân và Xã ủy Châu Thới đã hoàn thành việc xây dựng Đền thờ.
Sáng ngày 19/5/1972 (ngay ngày sinh nhật Bác) Lễ khánh thành Đền thờ Bác được tiến hành trong niềm hân hoan và trang nghiêm của trên một ngàn người trong Xã Châu Thới và các chiến sĩ huyện Vĩnh Lợi.
Từ lúc xây dựng xong cho đến ngày thống nhất đất nước (30/4/1975) Đền thờ Bác luôn là mục tiêu bắn phá của Địch. Mặc dù địch dùng những phương tiện và vũ khí hiện đại mở nhiều đợt tấn công đánh phá Đền thờ, nhưng lần nào chúng cũng nếm mùi thất bại trước tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân xã Châu Thới, họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để cho Đền thờ không bị vết đạn nào tàn phá. Có những tiểu đoàn của địch bị tập kích đánh úp khi chúng có ý định tấn công Đền thờ Bác.
Đến với di tích này bạn sẽ thấy được tinh thần anh dũng và sự mưu trí của quân dân Châu Thới, cũng như nhân dân Bạc Liêu nói chung thông qua những hiện vật được trưng bày tại di tích, bạn sẽ gặp được những chiến sĩ đã từng không tiếc sinh mạng mình để bảo vệ Đền thờ, và họ vẫn tiếp tục quãng đời còn lại của mình bảo vệ Đền thờ Bác.
Sau ngày giải phóng đến nay Đền thờ thường xuyên là địa điểm để tổ chức những hoạt động xã hội, là nơi họp mặt những ngày truyền thống. Năm 1998, Đền thờ Bác đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.
Bạc Liêu là một trong 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, được biết đến không chỉ là một vùng lúa trù phú; những cánh đồng muối trắng ven biển; những vườn nhãn xum xuê, cây xanh, trái ngọt, nổi tiếng khắp vùng… mà còn đó những dãy rừng phòng hộ như những chiến sỹ kiên cường giữ đất, bám biển và lấn biển, cho con cháu đời này sang đời khác những mảnh đất trù phú, giàu có mà mặn mà tình người, tình đất; và còn hơn nữa là nơi đây cũng được biết đến với một Vườn Chim còn đậm nét thiên nhiên hoang dã đã cùng hoà quyện nhau vẽ nên bức tranh sinh động với một Bạc Liêu khỏe khoắn, giàu tiềm năng đã in sâu trong kí ức của nhiều người qua bao thế hệ.
Cách thị xã Bạc Liêu 6km về hướng Biển, trên con đường nhựa sạch đẹp mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người sáng tác bản Dạ cổ Hoài Lang về phía phải, sang kênh 30 tháng 4 trên con cầu bê tông vững chắc là đến Vườn Chim Bạc Liêu, thuộc địa phận Phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu.
Vườn Chim Bạc Liêu là nơi làm tổ quan trọng của nhiều loài chim nước, điển hình là các loài le le, cò, diệc, vạc, còng cọc, quắm đen và nhiều loài chim khác. Sáng sớm, từng đàn chim đi kiếm mồi ở những nơi xa xôi, tối đến tìm về tổ ấm là Vườn Chim, cũng là lúc những loài chim ăn đêm bắt đầu cuộc hành trình hoạt động của mình làm xao động một góc trời đất Biển.
Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, nơi đây đã có không biết bao nhiêu thế hệ các loài chim sinh sôi, nẩy nở. Thường là vào mùa mưa, hiện nay, qua tính toán sơ bộ, số lượng chim ở Vườn Chim còn khoảng 40 ngàn con và 5 ngàn tổ chim các loại.
Theo tư liệu của khu bảo tồn thiên nhiên Vườn Chim Bạc Liêu, địa danh này xuất hiện cách nay khoảng 100 năm, lúc đó là thảm rừng ngập mặn ven biển rất phong phú và đa dạng, với hệ sinh thái ngập mặn tự nhiên. Vườn Chim là một phần thảm rừng còn sót lại ven Biển Đông do sự bồi tụ tự nhiên nên ngày càng xa biển hơn. Vào năm 1962, Vườn Chim được một hộ dân quản lý chăm sóc bảo vệ và khai thác chim non. sau đó, chính quyền địa phương sớm nhận thức Vườn Chim là tài sản thiên nhiên quý hiếm nên đã có sự đầu tư từng bước.
Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385 ha, trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh. Vườn chim Bạc Liêu là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim, trong đó có một số loài chim được ghi vào sách Đỏ như Giang Sen, Cốc Đế nhỏ…, 109 loài thực vật thuộc 90 chi của 46 họ: 150 loài động vật, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú, 8 loài bò sát và một số động vật khác cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học rất cần được bảo tồn và phát triển.
Ngày nay, nằm trong tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, cùng với một số dự án khác như: Khu du lịch - dịch vụ cụm nhà Công tử Bạc Liêu; khu du lịch bãi biển Nhà Mát - Hiệp Thành; Vườn nhãn; Du lịch sinh thái rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; dự án khôi phục, bảo vệ Vườn Chim Bạc Liêu tại Phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu đang được tích cực triển khai thực hiện, khi dự án hoàn thành, sẽ bao gồm các hạng mục công trình như: mở rộng diện tích, trồng thêm rừng; xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên; cầu qua sông (đã hoàn thành); khu Lâm viên và công viên văn hóa; các cửa hàng dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm.
Vườn Chim Bạc Liêu đang từng bước được tỉnh đầu tư theo hướng vừa giữ được sắc thái thiên nhiên hoang dã, phù hợp với tính đa dạng sinh học, phục vụ cho nghiên cứu khoa học vừa khai thác một phần thích hợp, tạo điều kiện cho khách tham quan du lịch và giải trí. Ngoài khả năng đầu tư của Nhà nước, tỉnh rất mong có sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
3. Tháp cổ Vĩnh Hưng
Tháp Vĩnh Hưng là một di tích kiến trúc cổ được xây dựng tại ấp Trung Hưng I, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu ngày nay.
Theo sự khảo sát của các nhà khảo cổ Pháp vào những năm đầu thế kỷ 20 thì Tháp này được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên.
Tháp được xây dựng trên một diện tích hơn 1.000 m2. Bình diện chân tháp hình chữ nhật với hai cạnh là 5,6 m và 6,9 m, chiều cao của Tháp còn lại 8,2 m (đỉnh Tháp đã bị sập), cửa Tháp quay về hướng Tây. Toàn bộ ngôi Tháp được xây dựng bằng gạch, chúng được kết dính với nhau bằng một loại keo (có giả thuyết cho rằng keo này được làm từ thực vật).
Những lần khảo sát và thăm dò các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm thuộc nền văn hóa Óc Eo và những tượng đồng - đặc biệt có tượng bốn mặt.
Nhưng lý thú hơn cả là lần khai quật gần đây nhất (3/2002) các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều tượng đồng đặc biệt quí hiếm, bên cạnh đó còn có những tấm ngói còn nguyên vẹn hoa văn. Mặc dù chưa công bố kết quả nhưng những bức tượng ấy các bạn khó tìm thấy ở đâu đó được cho dù trong những quyển sách nói về tượng cổ.
Di tích này đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa vào năm 1992 và dự án trùng tu, tôn tạo di tích này đã được bắt đầu thực hiện. Dự án ấy đã được mở đầu bằng cuộc khai quật đầu năm 2002 và sẽ kết thúc dự án bằng phòng trưng bày các hiện vật, tư liệu liên quan đến Tháp cổ này.
4. Di tích Đồng Nọc Nạng
Đây là di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Di tích này nằm ở ấp 4, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Di tích này là nơi diễn ra cuộc đấu tranh anh dũng của nông dân để bảo vệ ruộng đất của mình trước sự cướp bóc của bọn địa chủ cường hào dựa vào thế lực của bọn thực dân Pháp.
Chuyện bắt đầu vào năm 1927, sau nhiều thủ đoạn xảo quyệt và thâm độc hòng chiếm đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tại không xong, tên Mã Ngân (một địa chủ có tiếng ở Cà Mau) đã lừa bán cho vợ một Quan huyện là Hồ Thị Trân. Sau khi mua đất mà không lấy được đất do gia đình ông Tại phản đối kịch liệt, nên bọn chúng đã mượn thế lực thực dân Pháp đến trấn áp nhằm lấy ruộng và lúa của gia đình ông Tại. Thế là một cuộc đấu tranh của gia đình ông Tại chống lại sự trấn áp của bọn thực dân Pháp đã xảy ra đẫm máu vào ngày 17/02/1928 (nhằm ngày 29/01 âm lịch). Trong cuộc chống trả này, gia đình ôngTạimất 4 người là: Mười Chức (em ông Tại), vợ ông Mười Chức (cùng đứa con trong bụng),Năm Mẫn(em ông Tại),Sáu Nhịn(em ông Tại). Về phía bên kia thì tên cò Toutnierbị thương nặng (qua ngày sau thì chết) và vài tên khác bị thương. Mấy người còn lại trong gia đình ông Tại đều bị bắt và kết tội là "dậy loạn, chống công quyền, giết người".
Nhưng không vì thế mà chùn bước, gia đình ông Tại lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại… Báo chí cũng lên án mạnh mẽ. Trước dư luận của công chúng cuối cùng bên Chính quyền Pháp phải ra Nghị định trả đất cho gia đình ông Tại.
Sự kiện đồng Nọc Nạng năm 1928 là một bằng chứng, chứng minh tính đặc thù của chế độ thực dân Pháp cướp nước và bè lũ quan lại tay sai, nó cũng nói lên được tinh thần chống áp bức của người nông dân thật thà chất phác. Tuy cuộc đấu tranh của nông dân vùng Nọc Nạng là một cuộc đấu tranh tự phát nhưng cuộc đấu tranh ấy biểu hiện được đặc điểm sự đấu tranh của giai cấp nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long thời ấy, ở cuộc đấu tranh đó thể hiện được tinh thần kiên cường và nghĩa khí phóng khoáng của người nông dân Nam bộ, tinh thần đó đã góp phần hun đúc cho truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Đã trãi qua hơn bảy mươi năm, cánh đồng Nọc Nạng vẫn còn đọng lại khúc ca bi tráng ngày nào, sự kiện ấy đã đi vào thơ ca hò vè và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật với hình tượng người nông dân Bạc Liêu chất phác thật thà mà đầy nghĩa khí.
5. Phước Đức cổ miếu
Di tích Phước Đức cổ miếu tọa lạc tại đường Điện Biên Phủ, Phường 3, Thị xã Bạc Liêu, nằm bên dòng kênh xáng Bạc Liêu. Đây là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sống ở Bạc Liêu, nó được một nhóm người Hoa xây dựng vào khoảng năm 1810, bàn thờ chính là thờ Ông Bổn - Một vị thần được coi là có công khai hoang đất đai và phù trợ cho mọi người sinh cơ lập nghiệp có cuộc sống an lành.
Đến với Phước Đức cổ miếu du khách sẽ tận mắt thấy dược kiến trúc đặc biệt theo cấu trúc của người Hoa cổ. Toàn bộ ngôi miếu là một kiến trúc nghệ thuật qui mô và hoàn mỹ từ đầu kèo, đầu xiên cho đến các linh thú và hoa văn trên các khánh thờ đều được chạm khắc tinh tế. Phải nói rằng mỗi bộ phận trong miếu là một cổ vật có giá trị nghệ thuật cao bởi chúng đã tồn tại trên 100 năm. Những tấm biển bằng đá cũng như bằng gỗ khắc chữ Hán và mạ vàng cũng là những tác phẩm có giá trị được khắc sắc xảo theo lối viết Hành thư và Khải thư trong uy nghiệm và hùng mạnh.
Các tác phẩm nghệ thuật ấy đã được các nghệ nhân liên kết với nhau một cách hài hòa và chặt chẽ tạo thành một kiến trúc độc đáo vô song. với giá trị nghệ thuật ấy Phước Đức cổ miếu đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Nếu du khách đến di tich vào ngày 29/3 âm lịch bạn sẽ được dự lễ Đản Sinh Thần Phước Đức (Sinh nhật Ông Bổn), đây là lễ chính của miếu. Lễ được diễn ra vào lúc tám giờ sáng, nghi lễ diễn ra rất đơn giản nhưng rất trang nghiêm, nghi lễ phải trãi qua nhiều giai đoạn như: Hiến đèn, hiến hương, dâng hoa, dâng trà, dâng rượu, hiến vật tế (thường là heo)… Sau Lễ tế Ông là Lễ "Đấu đèn", lễ này diễn ra trong không khí vui nhộn của những người đến dự lễ, ban tổ chức lễ sẽ định số đèn theo từng năm (thường thì chọn 3 cây đèn - dạng đèn Kéo quân) và sau đó sẽ đem từng cây đèn ra đấu giá, ai trả giá cao sẽ được "Thỉnh đèn" về nhà. Số tiền thu được từ cuộc đấu đèn sẽ sử dụng cho công tác cứu tế hay những hoạt động xã hội khác.
Ngoài lễ Đản Sinh Thần ở Phước Đức cổ miếu còn có tổ chức các lễ khác trong năm như: Lễ Thượng Nguyên tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng (15 tháng 1 âm lịch). Lễ Vu Lan vào ngày 24 đến ngày 26 tháng 7 âm lịch và Tết Nguyên Đán vào mùng 1 đến mùng 3 âm lịch.
6. Nhà Công tử Bạc Liêu
Đây là ngôi biệt thự được xây dựng từ năm 1917, và là ngôi biệt thự to lớn nhất vùng lúc bấy giờ, ngôi biệt thự được cất theo mô típ Pháp, toàn bộ vật liệu dùng để xây dựng ngôi biệt thự được chở từ Pháp sang. Ngôi biệt thự được xây trong khuôn viên gồm vườn hoa, hàng rào bảo vệ, nhà ở chính, nhà bếp, nhà kho và các công trình phụ, hướng nhà được chọn theo phong thủy quay mặt về hướng nam và kênh xáng Bạc Liêu.
Hiện nay nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13-15 Điện biên Phủ, phường 3 TX Bạc Liêu. Ngôi biệt thự này thường được gắn với một danh xưng "Công tử Bạc Liêu", danh xưng đó đã ra đời cùng nhiều giai thoại được mọi người truyền tụng đến ngày nay. Công tử Bạc liêu là một nhân vật có thật, là con một địa chủ giàu khét tiếng tại đất Bạc liêu và cùng những giai thoại về Công tử Bạc liêu:
Hắc Công tử và Bạch Công tử với giai thoại đốt tiền: Cả Hắc Công tử và Bạch Công tử đều say m ê nhan sắc của cô Ba Trà (Hoa khôi Nam kỳ). Muốn thi thố chứng tỏ anh hào, mỗi người cân một ký đậu xanh, một ký đường rồi dùng tiền làm củi đốt nấu chè. Những giai thoại như đốt tiền làm đuốc, đốt tiền nấu chè đã tồn tại song hành với danh hiệu Công tử Bạc Liêu 6 - 7 thập niên qua. Nó tồn tại để minh họa cho thói ăn chơi quăng tiền qua cả sổ của Công tử Bạc Liêu
Công tử Bạc Liêu học võ… Xiêm: Công tử Bạc Liêu rất mê nghề võ. Vào nữa đầu thế kỷ 20, học võ là một cái mốt với nhận thức: Học võ để nâng cao cái khí phách thượng võ của kẻ anh hào. Công tử Bạc Liêu không học võ Tây hay võ Ta mà họ võ Xiêm (Thái Lan). Ông ta đã cất công qua Xiêm mướn một ông thầy thượng hạng về dạy cho mình và Tám Bò (em út của ông ta).
Công tử Bạc Liêu thăm ruộng bằng máy bay: Sự kiện thật sự làm chấn động Nam kỳ Lục tỉnh bấy giờ là lúc Trần Trinh Huy đi thăm ruộng bằng máy bay khi mà cả nước Việt nam lúc đó chỉ có hai người mua máy bay đó là Ba Huy và vua Bảo Đại.
Công tử Bạc Liêu ăn chơi ở Sài Gòn: Mỗi lần từ Bạc Liêu đi là ông ta ngồi trên một chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Lưng túi bao giờ cũng đầy ắp giấy bạc bộ lư, bạc con công… Thói quen của Công tử Bạc Liêu khi đi Sài Gòn là ít khi ở ngôi biệt thự của Trần gia mà vào một trong những khách sạn nổi tiếng hạng sang ở Sài Gòn. Và sau đó là những cuộc ăn chơi nổ trời diễn ra. Trần Trinh Huy lặn ngụp trong những bàn tiệc với rượu sâm banh và sau đó thì nhảy đầm hoặc rủ nhau đi Đà lạt, đi Cấp… Buồn nữa thì Ba Huy đánh bài, cái máu mê cờ bạc của Ba Huy cũng khá đậm đặc, dám đánh một cây bài 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ 1,7 đồng/giạ, lương của Thống đốc Nam kỳ chưa tới 3.000 đồng/tháng.
Công tử Bạc Liêu "vinh quy bái tổ": Sau ba năm "sôi kinh nấu sử" tại Pháp. Trần gia tổ chức tiệc mừng, người Bạc Liêu đồn rằng còn lớn hơn buổi tiệc tân gia nhà lớn để mừng Ba Huy ăn học thành tài. Mục đích của buổi tiệc là phô trương sự giàu có lẫn quyền uy. Và tất cả đã được khoe mẽ một cách triệt để, duy chỉ có một điều Trần gia không dám khoe là sau đó họ gạn hỏi mới biết được Ba Huy sau ba năm dùi mài học tập ở Pháp quốc đã không mang về cho gia tộc Trần Trinh một học hàm, học vị nào cả. Công tử Bạc Liêu về nước, hành trang của ông ta là kinh nghiệm nhảy đầm, lái xe và một bầu tâm sự ngày đêm thương nhớ cô vợ đầm và đứa con còn gửi nơi kinh thành ánh sáng Paris. Và phải chăng chính cái văn hóa ăn chơi của một nước tiên tiến đã pha trộn dòng máu mê ăn chơi của Ba Huy để rồi nâng tầm vóc ăn chơi của ông ta lên đến đỉnh điểm.
Công tử Bạc Liêu "trấn nhậm" điền Bàu Sàng: Vào thập niên 30, các sở điền mà Trần Trinh Huy thường hay lui tới là Bàu Sàng, Vĩnh Hưng. Tại Bàu Sàng, đời nông dân là những kiếp đời nghèo hèn cơ cực trải ra trên cánh đồng ngập úng lưu niên. Giữa cái không gian quê mùa hiu hắt, xã hội lạc hậu…, Trần Trinh Huy xuất hiện một cách "rực sáng" và xa lạ: Quần tây, áo sơ mi, đội nón nỉ, đi giày da, lưng giắt đồng hồ quả quít Ăng lê… Ba Huy mở lễ hội, ăn chơi kéo dài, tổ chức nhiều trò chơi ta có Tây có, như thí võ đài, các trò chơi dân gian, đặc biệt là "đấu xảo sắc đẹp" và có treo giải thưởng hẳn hoi. Ba Huy lăn xả vào các cuộc chơi chứng tỏ rằng máu ham vui của Công tử Bạc Liêu rất đậm đặc. Chỉ có điều sau những buổi Lễ, những trò chơi nửa Tây nửa ta thì tá điền nghèo lại thêm nghèo và người ngợm thêm đổ đốn. Nói cho công bằng, do tính ham vui, phóng khoáng nên Ba Huy rất rộng rãi. Tá điền không thấy ông đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá, năn nỉ ông còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền Bàu Sàng ít ai oán ghét Ba Huy.
7. Đình Tân Hưng
Đình nằm tại khóm 3, phường 3, TX Bạc Liêu. Diện tích bảo vệ 1.200 m2 trong đó diện tích kiến trúc là 559,65 m2.
Từ buổi đầu khẩn hoang lập làng tại Bạc Liêu, nhân dân đã dựng lên ngôi đình bằng tre lá để thờ vị thành hoàng bổn cảnh. Đình rất linh “hữu cầu tất ứng” . Ngày 8-01-1853đình được sắc phong thần của vua Tự Đức.
Khoảng cuối năm 1853 dân làng khởi công xây dựng Đình kiên cố , khang trang hơn thể hiện sự uy nghi của khối kiến trúc đình làng nam bộ (kiến trúc chánh điện theo kiểu tứ trụ và phía trước chánh điện nối tiếp với võ ca, phía sau từ chánh điện là hậu đình). Ngày nay sau gần 150 năm, tuy đã hiều lần sửa chữa lớn nhỏ , nhưng Đình tân Hưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu.
8. Đình An Trạch :
Đình thuộc khóm 2, phường 5, TX Bạc Liêu, cách trung tâm thị xã khoảng 1.500m về hướng Đông Nam. Diện tích đình là 2.980 m2, cửa chính Đình quay về hướng Bắc, có con sông Bạc Liêu – Cà Mauchảy ngang qua theo hướng Đông – Tây.
Đình An Trạch được xây dựng vào năm Đinh Sửu (1887) theo lối kiến trúc đình làng Miền Trung (Huế).
Năm Khải Định thứ 9 (1924) vua Khải Định đã sắc phong cho đình. Đến nay tuy đã nhiều lần sửa chữa trùng tu nhưng Đình an trạch vẫn giữ được nét kiến trúc xưa với nhiều tác phẩm nghệ thuật , điêu khắc độc đáo.
Vào các ngày 15, 16, 17 tháng giêng âm lịch hàng năm, nhân dân tổ chức lễ kỳ yên rất lớn tại đình. Đình được Bộ Văn hóa thông tin công nậhn là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2000.
9. Chùa Vĩnh Đức
Chùa tọa lạc tại số 132, đường cách mạng, khóm 7, phường 1, TX Bạc Liêu. Diện tích 2.232,01 m2. Chùa được xây dựng lần đầu vào năm 1890, quy mô nhỏ. Đến năm 1915, chùa được xây dựng khang trang, quy mô hơn. Đến năm 1961, một phần kiến trúc chùa được trùng tu và xây thêm chính điện, hoàn tất phần kiến trúc cơ bản như : Chánh điện, hậu liêu, Đông Lang, Tây Lang,…
Chùa Vĩnh Đức thờ phật thích ca ở chánh điện, các vị tu hành ở chùa theo phái Bắc Tông, phật tử khắp nơi thường đến chùa cúng bái , nhất là các ngày lễ lớn (theo âm lịch) trong năm như ngày 15/01 lễ thượng ngươn, ngày 24/01 giổ hòa thượng Thích Thiển Giác (là 01 trong 3 người thuyết phục đại tá tỉnh trưởng Bạc Liêu đầu hàng vô điều kiện không để đổ máu vào ngày 30/04/1975), ngày 15/04 lễ Phật Đản, 15/07 lễ Vu Lan, ngày 15/10 lễ Hạ Ngươn,…
Không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của phật tử trong vùng, chùa Vĩnh Đức còn là cơ sở cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến.
10. Chùa Xiêm Cán ( Chùa Komphir sakor Prêkchru)
Chùa được xây dựng vào năm 1887, toạ lạc tại ấp biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, cách trung tâm thị xã 12km về hướng Đông Nam, tổng diện tích của chùa là 43.790 m2.
Hiện nay chùa vẩn giữ được nét kiến trúc truyền thống của người khmer nam bộ và còn lưu giữ được khá nhiều tượng cổ và các tác phẩm nghệ thuật độc đáo như những tác phẩm điêu khắc (tập trung ở chính điện) diễn tả quá trình tu hành của đức phật Thích ca, các con rồng cabacroca uốn éo mềm mại (ở cửa chính điện), hoặc tượng chim thần krud đính ở các đầu cột hay tượng thần nhân điểu (nữ thần) kayno hai tay nâng đỡ mái chùa,…
11.Vườn nhãn cổ Bạc Liêu.Vườn nhãn Bạc Liêu cách thị xã Bạc Liêu 6 km về hướng đông nam, nằm trên đất giồng biển bồi từ thời xa xưa, kéo dài từ phường Nhà Mát đến xã An Trạch Đông dài 7km.
Vườn nhãn được hình thành khoảng hai trăm năm trước đây, khi những lưu dân đầu tiên đấn đây khai mở đất họ đã trồng những hạt nhãn mang theo trên những giồng cát ven biển và thu hoạch được những trái nhãn có vị ngon rất đặc trưng.
Hiện nay vườn nhãn cổ trải dài hàng chục km và trên một diện tích hàng trăm héc ta, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn quả.
Vườn nhãn có những gốc nhãn hàng trăm năm tuổi, trái có vị ngọt, thơm được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét