2. Chợ nổi Cà Mau
Chợ nổi Cà Mau được hình thành trên đoạn cuối của con sông Gành Hào, nằm giữa lòng thành phố Cà Mau. Đây là con sông chính của thành phố Cà Mau, tại khu bến tàu B cách cầu Gành Hào 100m, thuộc phường 8. Chợ nổi có hàng trăm chiếc ghe to nhỏ đầy hàng hóa tấp nập mua bán. Chợ hình thành từ bao giờ không biết nữa nhưng mang đậm đặc trưng vùng sông nước. Cùng với chợ nổi ở các địa phương khác trong toàn khu vực châu thổ Sông Cửu Long, chợ nổi Cà Mau là một biểu hiện của một nét văn hóa, một kiểu quần cư, một phong cách sống đặc sắc có một không hai trên thế giới của người dân Việt nơi đây. Trước kia chợ nổi nơi đây cũng như bao chợ nổi khác trong vùng buôn bán đủ các loại hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm,… Nhưng nay, chợ nổi Cà Mau chỉ tập trung bán sỉ hàng hóa nông sản tươi, những rau trái miệt vườn. Các vẻ đẹp lạ lùng, đặc trưng miền sông nước luôn hấp dẫn du khách từ mọi miền đất nước và cả du khách quốc tế đến từ những vùng xa xôi trên trái đất.
3. Vườn quốc gia U Minh hạ
Vườn quốc gia U Minh hạ là một trong hai vườn quốc gia tại tỉnh Cà Mau. Được thành lập theo quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 20 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi. Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, sú, vẹt, đước, mắm…Động vật đặc trưng là rùa, rắn, trăn, thòi lòi, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng.
Vườn quốc gia U Minh hạ có tổng diện tích 8.286 ha nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An thuộc huyện U Minh và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc thuộc huyện Trần Văn Thời.
Vườn quốc gia U Minh hạ có ba phân khu chính:
- Khu bảo tồn sinh thái trên đất than bùn 2.570ha
- Phân khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập nước 4.961ha.
- Phân khu dịch vụ hành chính 775ha
Ngoài ra, vườn quốc gia U Minh hạ còn có hơn 25.000ha vùng đệm thuộc các lâm ngư trường 1, 3, lâm ngư trường Trần Văn Thời, Trại giam K1 Cái Tàu và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng rừng ngập Minh Hải. (Khi chưa tách tỉnh)
Vườn quốc gia U Minh hạ có nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật quý, các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch.
4. Vườn dâu Cái Tàu
Huyện U Minh nằm cách thành phố Cà Mau hơn 50 km, ở đây không những nổi tiếng về vùng đất có khu rừng Tràm lớn nhất nước, với nhiều hệ sinh thái động thực vật quý hiếm mà còn có nhiều địa danh khác rất hấp dẫn du khách đến tham quan, đó là vườn dâu Cái Tàu ở xã Nguyễn Phích nổi tiếng gần một thế kỷ qua.
Nếu du khách chọn phương tiện bằng xe gắn máy theo hướng tỉnh lộ Cà Mau - U Minh đến xã Khánh An, chạy theo con đường nhựa dọc theo sông Cái Tàu, chỉ cần một giờ, du khách đến với Nguyễn Phích - xứ sở của những vườn dâu bạt ngàn. Đến đây, điều mà các bạn không thể không ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hết sức mộc mạc của những xóm làng rợp bóng mát của những tán lá dâu và rất nhiều loại cây ăn quả khác, tha hồ cho các bạn thưởng thức những loại cây trái của miền quê. Hầu hết những vườn cây trái ở đây, vườn nhà nào cũng trồng vài chục gốc dâu là loại trái cây đặc sản dùng để đãi khách.
Nếu du khách cho rằng đây là nơi đẹp nhất, thanh bình và yên tĩnh nhất thì mọi thứ ở đây sẽ hấp dẫn vô cùng. Để thưởng thức hết vẻ đẹp của những vườn dâu ở Nguyễn Phích, bạn nên dùng phương tiện bằng xuồng ba lá để du ngoạn vào những con rạch nhỏ...Nơi mà con nước Cái Tàu đỏ thắm chở nặng phù sa vun đắp cho những vườn dâu tươi tốt. Bạn sẽ hết sức thú vị trước những cây dâu đã gắn bó gần cả trăm năm với Cái Tàu và nó trở thành một thứ trái cây không thể thiếu trong sinh hoạt của mỗi gia đình. Có rất nhiều bài thơ, bài ca đã được các nhà thơ và nghệ sĩ viết về hình ảnh đẹp và thơ mộng của vườn dâu Cái Tàu. Đây là một niềm tự hào về nét văn hóa đặc sắc của vùng đất U Minh.
Về với U Minh để tham quan vườn cây ăn trái, nhất là thưởng thức hương vị ngọt ngào của quả dâu chín mọng, sẽ làm cho tâm hồn du khách mát rượi và sảng khoái. Và ở Cà Mau, chỉ riêng U Minh mới có được những cảm giác đó.
5. Đầm Thị Tường
Không biết Đầm Thị Tường có từ bao giờ, chỉ biết rằng nơi vùng biển cuối trời Nam đất Việt có một cái đầm nuôi tôm cá rộng lớn và đây cũng là một trong những địa danh đẹp của Cà Mau. Gắn liền với tên đầm là truyền thuyết kỳ lạ: xưa kia, Bà Tường là một trong những người đầu tiên đi mở đất ở Cà Mau, đã kiên cường dũng cảm ngày đêm đứng ra xua đuổi bầy chim do chúa hổ sai lấy đá lấp biển, vì giận vua thủy tề đã từ chối sính lễ cầu hôn lấy công chúa của chúa hổ. Những khoảng trống do bà Tường canh giữ vẫn còn nguyên vẹn không bị che lấp, để cá tôm sinh sản nuôi sống con người. Cảm động trước công đức của bà, người dân đã lấy tên bà đặt cho đầm, tức Đầm Thị Tường ngày nay.
Đầm Thị Tường cách thành phố Cà Mau 2 giờ ngồi đò, nằm cạnh kênh xáng Bà Kẹo, nối ra vịnh Thái Lan qua con sông Mỹ Bình, có diện tích mặt nước khoảng 700ha, chiều dài hơn 10km ăn sâu vào ba huyện đất liền là Trần Văn Thời Phú Tân và Cái Nước. Đầm Thị Tường được chia làm ba đoạn: Đầm Trên, Đầm Giữa và Đầm Dưới. Đứng giữa nơi này, bạn sẽ cảm nhận được sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên rộng lớn, ngắm nhìn cảnh đẹp của quê hương nơi tận cuối trời và thưởng thức những món ăn đặc sản từ tôm cá được người dân sống trên đầm chế biến mang ra đãi khách rất hấp dẫn và nghe người dân nơi đây kể chuyện về cuộc sống trên đầm.
6. Sân chim Đầm Dơi
Thuộc huyện Đầm Đơi, cách thành phố Cà Mau 45 km về phía Đông Nam, đây là nơi cư ngụ và sinh sản của các loài cò. Các loài chim nơi đây thường làm tổ trên các cây cao và dành cả buổi sáng để đi kiếm thức ăn. Đây chính là cơ hội rất tốt để du khách có thể thưởng ngoạn, quay phim và chụp ảnh dưới nhiều gốc độ khác nhau để có được những bức ảnh quý giá, độc nhất… và cùng hòa mình với thiên nhiên thư thái, hoang dã trong một môi trường sinh thái trong lành, mát mẻ và bình yên. Chính vì thế, Sân Chim Đầm Dơi là địa chỉ thường xuyên ghé thăm của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp đến để nghiên cứu và ghi hình về thế giới động vật, đặc biệt là các loại chim, cò.
7. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau
Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau nơi có cột mốc cuối cùng của Việt Nam trên đất liền, với tổng diện tích 41.862 ha - một vùng đất ngập mặn với quần thể thực vật chiếm ưu thế là cây đước, cây mắm vốn nổi tiếng trong và ngoài nước. Đây là một hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên có giá trị rất cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa và lịch sử. Hiện nay thông tin về giá trị đa dạng sinh học của VQG đang được khai thác. Phần trên đất liền trước đây là rừng ngập mặn, rất phong phú, tuy nhiên hầu hết thực vật nguyên sinh đều đã bị tàn phá trong chiến tranh và sau đó là sự thiếu hiểu biết khi chuyển rừng sang sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm.
VQG Mũi Cà Mau là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình Quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và vùng châu Á - Thái Bình Dương, có những đặc điểm độc đáo về địa lý tự nhiên và địa mạo tạo nên một vùng sinh thái cửa sông, ven biển có một không hai ở Việt Nam.
Ngoài ra còn có những giá trị đặc biệt nổi bật khác đó là “nguồn gen đặc hữu quý hiếm” với 22 loài thực vật ngập mặn đã được phát hiện.
Bên cạnh đó, hệ động vật của vườn cũng không kém phần phong phú điển hình lớp thú có 13 loài thuộc 9 họ trong đó có hai loài trong Sách Đỏ thế giới IUCN là khỉ đuôi dài và con Cà khu. Một số loài phổ biến thường gặp là rái cá, sóc, chồn, khỉ... Hàng năm vào tháng tám, những đàn chim di cư về rừng đước làm tổ, sớm chiều theo con nước kiếm ăn, bầu trời rừng đước lại rộn rã như ngày hội. Theo số liệu cũ, lớp chim ở VQG Mũi Cà Mau có 74 loài thuộc 23 họ, trong đó có 5 loài có trong Sách Đỏ của IUCN gồm cò Trung Quốc (Egretta eulophotes), bồ nông chân xám (Pelecanus philippinensis), giang sen (Ibis leucocephalus), rẽ mỏ cong hông nâu (Numenius madagascariensis) và quắn trắng (Threskisonis melanocephalus).
Phải đến với VQG Mũi Cà Mau mới thấy hết vẻ đẹp của những dãy rừng ngập mặn trù phú dọc theo bờ biển và bờ sông như những bức tường phòng hộ, chống gió, chống xói lở. Những loài cây ngập mặn tiên phong có tác dụng thúc đẩy quá trình lắng đọng phù sa, tích tụ mới ở biển. Ở bãi biển phía tây của vườn, quần xã thực vật ngập mặn không ngừng lấn biển gần 100 mét mỗi năm và ngẫu nhiên tạo ra một môi trường sinh trưởng, phát triển lý tưởng cho các loài tôm cá và nhuyễn thể.
8. Khu đa dạng sinh học Lâm ngư trường 184
Nằm giữa rừng đước thuộc ấp Chà Là xã Tam Giang huyện Năm Căn, cách chợ nổi Cà Mau 1 giờ đồng hồ đi bằng tàu cao tốc. Diện tích rừng của toàn lâm trường là 6.300ha nơi có tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn. Được thiên nhiên ưu đãi khu du lịch sinh thái lâm trường 184 đang có một hệ động thực vật phong phú và mang nét đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau.
Tại đây, có Khu bảo tồn đa dạng sinh học rừng ngặp mặn Cà Mau với diện tích 252 ha, bao gồm khu bảo tồn nghiêm ngặt khoảng 86ha và khu đệm sinh thái 166ha. Theo thống kê ban đầu của các nhà khoa học, hiện nay tại khu bảo tồn đa dạng sinh học rừng ngập mặn Cà Mau có 44 loài thực vật, trong đó có 32 loài đặc trưng cho hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đặc biệt có một số loài quý hiến như: Cóc trắng, Đưng, Sú, Trang. Bên cạnh đó khu vực này còn có 6 loài chim, 5 loài thú, 2 loài bò sát và 2 loài lưỡng thê. Hệ động vật, thực vật ở đây rất phong phú đang được bảo tồn để phục vụ công tác nghiên cứu. Trong đó đáng chú ý là gần đây rất nhiều loài chim bắt đấu về đây. Hiện nay, Ban Quản lý lâm ngư trường đã quy hoạch khu vực khoảng 1 ha để chim trú ngụ.
Đến với lâm ngư trường 184 du khách sẽ được đi xuyên rừng bằng một hệ thống đường làm bằng cây luồn trong những cánh rừng đước trên 15 năm tuổi mát rượi. Du khách còn có thể bơi xuồng vào sâu trong rừng để thưởng ngoạn khu rừng ngập mặn đặc trưng của Mũi Cà Mau. Ngoài ra, du khách còn được ngắm những chú khỉ xinh xắn sống theo đàn đu đưa trên những cành cây đước. Khi màn đêm buông xuống du khách được nghỉ ngơi trong những ngôi nhà thóang mát trong rừng và thưởng thức đặc sản của miền biển như: cá chẽm, cá dứa, cá bóp, cua, tôm, vọp..
9. Làng rừng
Làng rừng là một hiện tượng xã hội độc đáo đã đi vào lịch sử giữ nước của nhân dân ta. Trong những năm 60 của thế kỷ 20, không chịu nổi sự đàn áp dã man của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, người dân Cà Mau đã đi sâu vào trong rừng đước để lập làng nổi cùng sinh sống với cách mạng. Mổi làng rừng như một xã hội thu nhỏ với sự phân công lao động rõ ràng, công bằng và hợp lý. Làng Rừng được coi là tiền đề đồng khởi do có tác dụng bảo tồn thực lực cách mạng ở Cà Mau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét