Em Gò Công một phần giống em Pleiku - có nắng có gió, phần tựa em xứ Quảng - có biển có sông. Nổi hơn cả lại là nguồn hải sản nước lợ phủ phê và nụ cười đôn hậu.
Không ít người bạn than vãn rằng, về quê bà Từ Dũ không biết tìm ăn ngon ở đâu. Đúng là mấy kẻ "đơn giản đến thanh thản".
Sản vật vùng này phong phú. Bởi là nơi hợp lưu của nhiều nhánh sông, cửa biển: Vàm Cỏ Đông, Xoài Rạp, cửa Tiểu..., nên cá tôm thích bám trụ cũng để… thưởng thức ẩm thực. Các chuyên gia hải sản trong nước cũng như một số người sành ăn, kiến thức rộng quả quyết: chính chất lượng hệ phiêu sinh nước lợ (nước xà hai) đã làm cho hải sản thơm ngọt lạ.
Lộng lẫy “miss” nghêu Nam bộ
Đơn cử với con nghêu. Đem luộc thôi, kèm 1 - 2 trái ớt hiểm giã giập khử tanh, mới 5 - 7 phút sau đã nghe thơm lừng mùi sữa bắp nếp. Vài đồng nghiệp biết ăn, nghe vậy vội mạnh miệng phản bác: “Dóc tổ”!
Thế nhưng, có dịp về bãi biển Tân Thành tác nghiệp - cách thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang khoảng 15 Km, nếm thịt nghêu tơ, có người buộc miệng khen: “Ồ! Đáng nể thật!”
Thịt nó giòn lẫn ngọt đậm, mập ú, lưỡi trắng phau. Cắn vào 5 - 7 con đủ say cái ngon! Nếu bạn gặp những con mình hơi ửng hồng (nhạt hơn sò lông) thì càng tuyệt. Bởi chúng đang ôm trứng, thêm vị bùi bùi.
Nhiều người thích chấm với nước mắm chua ngọt. Song tôi khoái chấm cùng muối tiêu “bà đẻ” (phải nướng cho tiêu thơm sực nức và muối cháy vàng - hết mùi tanh), trộn ít ớt bằm ngâm giấm, vắt nửa trái tắc hườm hoặc miếng chanh giấy mọng nước, thoảng mùi vị chua thanh đủ làm khổ sở mấy kèn công phồng má thổi kèn!
Mùa nghêu mập ở đây kéo dài từ sau tết Nguyên Đán đến đầu mùa mưa. Con nào nổi gân hình vòng cung càng rõ trên vỏ thì thịt càng đầy, theo “mụ nghêu” Trần Văn Vinh ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Từ năm 2000, nghêu nơi này đã đủ chuẩn xuất sang châu Âu. Trong khi nghêu Bến Tre, Cần Giờ còn chờ xét duyệt về chất lượng.
Và nhiều cái lưỡi tinh tế khu vực Nam bộ bình chọn về “thánh địa” nghêu ngon thổn thức như sau: nhất Gò Công, nhì Bến Tre, ba Cần Giờ.
Luộc nghêu hàng cao thủ là không cho nước vào và canh nó vừa hé miệng (nở búp) thôi. Nếu để quá lửa, nó hả toét miệng, thịt teo bớt, dai hơn và mất ngọt.
Bù lại, bạn lắng nước luộc đem nấu tô canh rau tập tàng, sẽ ngọt thơm gấp bội. Nước canh đục màu sữa tươi, thoang thoảng hương vị rong rêu tinh sạch. Rắc vào ít tiêu sọ giã lúc tắt lửa, khi khói canh đang lững lờ thì mộng bỏ… dưới hoa về chui vào tô canh!
Tuy vậy, nghêu đại (loại gần bằng chén nước chấm) như gái nạ dòng - thịt lạt, dai. Lý tưởng nhất là, chọn cỡ 45 - 50 con/kg. Tách ra, nấu món hầm nghệ theo kiểu triều Nguyễn (báo SGTT đã đăng). Mới húp muỗng nước thôi, đã thống sướng vô cùng!
Cần lưu ý thêm về các từ: nghêu “nguội” với “nóng”, do dân địa phương thường gọi. Cả hai dạng này ăn đều dở. Do nước thủy triều có ngày không cạn sát nên ngư dân cào bắt nghêu chưa được. Những ngày đó, tiểu thương vẫn trữ nghêu cũ để bán cho du khách; hay vì họ bán ế vài hôm, khiến rổ nghêu ốm hẳn (nguội). Hoặc gặp nghêu mới lên (nóng), miệng còn ngậm ít cát, ăn vào dễ bất mãn.
Và ước tính, tổng diện tích bãi nghêu Tân Thành rộng khoảng 1.800ha, năng suất trung bình khoảng 7.000 - 10.050 tấn/năm, thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nếu suông sẻ, phải mất ba năm ròng, một trứng nghêu cám bằng hạt cát mới lớn thành con nghêu thịt.
Có một chỗ thường bán nghêu ngon, giá vừa phải là quán chị Tẻ bến đò, thuộc ấp Mỹ Xuân, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây, cách bến đò Mỹ Lợi khoảng 4 - 5km, theo trục quốc lộ 50 chạy về chợ Gò Công, rẽ trái vào bờ đê, sát nách con sông Vàm Cỏ. So ra, gần hơn đi bãi biển Tân Thành khoảng 20km, tính từ hướng TP.HCM xuống.
“Ngư khôi” dứa, úc...
Nhờ ở cạnh bến đò Mỹ Điền, chốn giao thương “quà sông, biển” từ ba phía: Long Hựu, Cần Đước (Long An), Cần Giờ và Gò Công Đông, cho nên chị Tẻ có dịp mua tận gốc nhiều hải sản do ngư dân giăng lưới, đi ghe cào, móc (cua)... bắt được.
“Cá còn lội. Tôm còn búng. Cua còn kẹp. Bạch tuộc còn đeo và nhiều con còn... nhúc nhích”! Ông Nguyễn Văn Ra, nguyên trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã tặng cho quán câu slogan này.
Mặc dù, chủ quán không hề thuê người kẻ bảng, treo những dòng chữ ấn tượng ấy. Thế nhưng, không ít người thuộc khu vực phía Đông Gò Công, đã tự để bụng.
Thỉnh thoảng có cá chìa vôi nặng 10kg/con, cá sửu cỡ 11 - 12kg/con, cá dứa 18kg/con còn bơi lúc lắc..., chị Tẻ bật cái “a lô” báo tin, chừng mười phút sau đã cò vài ba chiếc xe hơi hoặc chục xe tay ga chạy tới “chia cá hiếm”.
Điểm đặc biệt của quán là không có thực đơn. Chị Tẻ ngưng vớt tôm càng giải thích: “Nguyên liệu của quán tùy theo con nước (kém hoặc rong), theo mùa nên thực đơn tốt nhất là tùy cơ ứng biến.”
Anh Tám Nhịn, ở ấp Muôn Nghiệp, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, chủ cơ sở mắm Hoàng Đệ cũng là khách mối ở đây. Dụi điếu thuốc, anh Tám cười hề hề nói: “Mình thích con gì, khúc bụng hay đầu hoặc đuôi, cứ chỉ ngay - họ đều vui vẻ đáp ứng. Bữa nào túi rủng rỉnh tiền thì ăn nguyên ký. Còn lép hơn, tui “chơi” nửa ký. “Hẻo” nữa thì vài trăm - gà - ram tôm càng, tôm đất. Thậm chí kẹt “đạn”, ký sổ chủ quán vẫn không “mặt lớn mặt nhỏ” như mấy chỗ khác”.
Hôm chúng tôi ghé lại, chọn một khứa bụng con cá dứa đã nặng gần cả ký, thả vào nồi cháo với ít nấm rơm bềnh bồng. Khứa cá nằm chật cả dĩa nước mắm y. Mới nhìn thôi đã bị hớp hồn!
Trưa hè yên ắng, nghe rõ tiếng gió sông khua xào xạc trên mấy tàu dừa nước (dừa lá). Cũng có những cơn gió tinh nghịch chạy lon ton vào tận chòi lá, vuốt ve mặt mũi thực khách nghe mát rượi.
Vẫn không bằng hương vị thịt cá dứa tươi ngọt đậm, béo thanh, săn chắc hết chỗ chê. Nâng ly rượu “xây chừng”, nghe anh Tám kể về những mảnh đời sông, vừa thú vị vừa bùi ngùi làm sao.
Tốn “trọn gói” 350.000 đồng cho món cháo nhớ đời, cùng bốn người bạn vong niên no cành hông, thêm một bữa hả hê trải lòng!
Còn nhiều con đang lượn lờ hoặc rục rịch, đáng để bạn cất công lặn lội - làm một chuyến điền dã về đây. Mùa này, đang rộ cá úc vàng (úc sào) bụng phệ, cỡ 700g - 1kg/con. Thịt cá ngọt bùi, béo thơm. Đem nấu lẩu bột trái bần chín (bẻ ngay cạnh bãi sau của quán) hoặc nướng muối ớt - gói kín trong miếng lá chuối non - đều ngon “nhức răng”!
Tuy nhiên, ngư dân khu này thường giăng lưới cá úc theo con nước kém, được 8 ngày trong tháng, từ ngày 11 - 17 và 22 - 26 âm lịch.
Đừng quên những con vọp ruột căng múp. Nướng mỡ hành, ngọt thơm ngất trời!
Mới hơn là loại ốc cau, cỡ đầu ngón tay cái người lớn, được đánh bắt bằng cách thả “rập đuôi chuột” xuống đáy sông, giống cách ngư dân miền Trung bẫy ghẹ.
Vỏ nó nổi màu xanh non của tàu cau ta, giữa thân bầu bầu hơi giống con chim ốc cao. Phần thịt lưỡi giòn ngọt na ná ốc hương nhưng không thơm bằng, còn đoạn bụng béo bùi. Đem xào với ít nước cốt dừa, búng vào dăm ba lát ớt sừng trâu, trải tiếp một lớp thảm rau răm non mướt hoặc hấp cùng nhiều củ sả tươi đập giập hay xào tỏi đều để thèm về sau. Lể mỏi tay, mất 60.000 - 70.000 đồng/kg. Khỏi nhức đầu về chuyện... đổ vỏ.
Được biết, khoảng hai năm trước đám ốc này có mặt ở biển Cần Giờ. Nay chúng chu du tới sông sông Xoài Rạp (mé Gò Công Đông) và Vàm Cỏ.
Ngoài ra, một số nhân viên của quán còn có tài ca cổ thật “lảnh lót” (thánh thót). Có nàng mạnh miệng thách đố: “Hễ anh nào song ca bài “Chuyện tình Lan và Điệp” cùng em nghe “muồi” rụng... rún. Em bắt rễ liền!”
Bên cạnh đó, cũng có hai loại đặc sản Gò Công dần tuyệt tích. Đó là trái sơ ri chua, khi chín hườm “cơm” rất giòn ngọt và thơm đặc trưng. Cùng dưa hấu bãi bồi Tân Thành, dạng tròn vỏ xanh đen (dưa An Tiêm) hoặc sọc xanh viền trắng có thể nặng đến 5 - 7kg/trái. Ruột dưa đỏ tươi, ngọt lịm.
Nguồn : SGTT
Đặc sản Tiền Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét