Leo núi được xếp vào danh sách một trong những môn chơi mạo hiểm thú vị nhất hiện nay. Bên cạnh các lợi ích về sức khỏe, chính trải nghiệm chiến thắng bản thân và cảm giác chinh phục độ cao khiến leo núi trở thành môn thể thao độc đáo và được ưa chuộng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên ở Việt Nam, leo núi là một môn thể thao còn mới, rất ít người biết đến môn thể thao này. Nếu bạn muốn thử thách leo núi, bạn nên liên hệ với các tổ chức leo núi chuyên nghiệp, nơi có các chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực leo núi được được hướng dẫn kỹ thuật an toàn và kỹ năng leo núi. Quy tắc leo núi cùng các kỹ năng sẽ được trình bày trong bài sau, còn kinh nghiệm sẽ đến với bạn sau những chuyến chinh phục đỉnh cao.
Khi lên dốc, các bạn phải sử dụng sức nhiều, nên rất dễ bị mệt, vì vậy, các bạn cần lưu ý những điều sau:
- Chọn một đôi giầy tốt, vừa chân, có độ bám cao, sẽ giúp các bạn đắc lực khi leo núi.
- Giữ cho hơi thở điều hoà, nếu thở nhanh hay hổn hển có nghĩa là các bạn đã đi quá sức, hãy tạm nghỉ chừng 5 – 10 phút (không nên nghỉ lâu, vì bắp thịt sẽ bị lạnh và giãn cơ, gây đau nhức do bị phản ứng).
- Nếu dốc núi hơi lài, thì với một cây gậy chống, các bạn cứ thong thả mà đi lên. Mỗi lần đặt chân lên một cục đá, nên ướm thử độ bám cũng như độ kết cấu của nó.
- Nếu dốc hơi đứng thì các bạn men theo triền để đi lên theo hình chữ Z, cộng với sự hỗ trợ của hai tay bám vào các mô đá, cành cây, khe đá, thân cây…
- Nếu dốc quá đứng hay vách đá bụôc phải dùng dây, thì cử một hay hai người hỗ trợ (Belayer) là những người khoẻ mạnh, leo núi giỏi, trang bị gọn nhẹ leo lên trước, cột dây neo vào một điểm chịu chắc chắn. Những người nầy có nhiệm vụ thâu dần sợi dây theo từng bứơc leo của các bạn, giữ chặt dây khi các bạn bị trượt té, cảnh báo những nguy hiểm có thể xảy ra.
- Những người còn lại, từng người một, sẽ dùng đầu dây làm thành một nút ghế đơn (hay ghế kép, nếu là dây đôi), quàng vào ngang ngực. Dùng hai tay để bám víu, hai chân tìm điểm tựa để làm bàn đạp, rồi cùng với sự giúp sức của người hỗ trợ, các bạn sẽ leo lên.
- Người sau cùng, trước khi leo lên, phải kiểm tra lại tất cả hành lý và dụng cụ mang theo còn sót, cột lại cho các bạn của mình kéo hết lên trước, rồi mình mới leo lên.
Khác với lúc leo lên, xuống núi tuy ít mệt hơn, nhưng lại nguy hiểm không kém, hơn nữa, lúc nầy chân cẳng của các bạn đã rã rời, sau khi leo qua những quãng dốc dài. Khi xuống núi, các bạn cần phải cẩn thận, không nên đi quá nhanh (cho dù trọng lượng của cơ thể và hành lý như đẩy các bạn chạy về phía trước), vì các bạn rất dễ bị vấp té, lăn lông lốc xuống dưới.
Khi xuống dốc, khom người và rùn đầu gối lại, giữ cho ba lô ổn định, và cân đối trên lưng của các bạn, trọng tâm của ba lô nằm phía trước chân đế, chịu cả bàn chân xuống mặt đất. Nếu đi thẳng người, trọng tâm balô sẽ nằm phía sau chân đế, dễ bị trượt té.
Nếu dốc khá đứng, thì các bạn xoay người lại đối diện với vách núi, sử dụng luôn cả hai tay để bám chịu mà leo xuống. Khi leo xuống, lúc nào cơ thể các bạn cũng phải chịu trên 3 điểm tựa, một tay với hai chân hay một chân với hai tay. Sử dụng tay hay chân còn lại để tìm điểm tựa thấp hơn. Khi đặt tay hay chân vào điểm tựa mới, phải ướm thử sức chịu đựng trước khi tì cả sức nặng của mình lên đó.
Nếu gặp vách núi dựng đứng, thì các bạn nên dùng dây để tuột xuống, vừa nhanh chóng vừa an toàn và tiện lợi. Có nhiều cách tuột dây xuống núi, sau đây là những cách đơn giản và dễ thực hiện hơn cả:
Cách thứ nhất:
Các bạn chỉ cần có một sợi dây đủ chắc chắn mà không cần thêm phụ tùng nào cả. Hãy thực hiện theo từng bước sau:
- Choàng dây qua một gốc cây hay một gộp đá chắc chắn làm điểm neo chịu, rồi chập đôi dây lại.
- Luồn dây qua háng (từ trước ra sau)
- Vòng qua hông trái (nếu thuận tay mặt, hoặc ngược lại)
- Vắt chéo lên vai phải, vòng ra sau lưng
- Lòn trong nách trái rồi nắm giữ dây lại bằng tay trái.
- Tay mặt (là tay điều khiển) nắm lấy dây phía trước mặt để giữ thăng bằng. Nghiêng người gần thẳng góc với vách núi.
- Tay trái (là tay phanh) thả từng đoạn dây ngắn, vừa thả vừa đi chậm chậm xuống theo vách núi.
Khi mọi người xuống hết, rút một đầu dây để thu hồi sợi dây.
Cách thứ hai:
Cách nầy đòi hỏi các bạn phải có một số dụng cụ cần thiết như:
- Một cuộn dây dài và chắc.
- Mỗi người một sợi dây ngắn chừng 3 mét, một đôi găng tay dầy, một khoen bầu dục (carabiner).
THỰC HIỆN
Trước tiên, các bạn dùng đoạn dây 3 mét thắt một cái đai theo cách hướng dẫn sau:
- Gập đôi sợi dây lại, đặt chỗ gập cố định bên hông trái (nếu thuận tay mặt, hay ngược lại). (Trong hình minh hoạ thì đặt bên mặt).
- Vòng dây qua người làm một vòng khoá trước bụng.
- Lòn xuống dưới háng rồi kéo lên hai bên hông.
- Quấn hai đầu dây một vòng vào hai bên hông.
- Vòng hai đầu dây qua hông trái (nếu thuận tay mặt…) và cột lại bằng nút dẹt. Móc khoen bầu dục vào.
- Cột cố định đầu sợi dây dùng để tuột vào gốc cây hay một điểm thật chắc chắn.
- Làm một vòng khuy tròng vào khoen bầu dục.
- Tay trái (là tay hướng dẫn) nắm lỏng sợi dây phía trước mặt để giữ thăng bằng.
- Tay phải (là tay phanh) giữ phần dây thòng xuống, vắt qua hông phải. Tay nầy dùng để điều chỉnh tốc độ.
- Muốn tuột xuống, các bạn nới lỏng dây ở tay phải ra. Muốn dừng lại, các bạn nắm chặt dây ở tay phải lại, đồng thời áp sát dây vào mông (tay trái luôn luôn nắm lỏng dây).
- Nếu người của các bạn không chạm vào vách đá (treo tòn ten) thì các bạn có thể tuột một đoạn thật dài (nhưng phải coi chừng găng tay chịu không nổi).
Đây là một chướng ngại rất nguy hiểm và khó vượt qua, nếu các bạn gặp phải trên lộ trình di chuyển.
Trừ phi các bạn là vận động viên leo núi, hoặc đã được huấn luyện cẩn thận, và trang bị đầy đủ, thì mới nên cố gắng để vượt, bằng không thì nên đi vòng tìm một con đường khác. Vì ngay cả những nhà leo núi chuyên nghiệp cũng không ít người đã phải đánh đổi mạng sống của mình, hay bị mang thương tật suốt đời, khi cần chinh phục những vách đá cheo leo.
Để có thể leo lên những vách đá, trước tiên, các bạn cần phải luyện tập cẩn thận từ những vách đá thấp, dễ leo, dần dần lên cao, và tăng mức độ khó hơn. Có hai cách leo vách đá:
- Leo tay không.
- Leo có trang bị đầy đủ.
LEO TAY KHÔNG
Khi leo vách đá bằng tay không, điều cần thiết là các bạn phải có một thể lực dẽo dai, một tinh thần cương nghị… Và quan trọng nhất là các bạn phải biết cách giữ thăng bằng cơ thể. Đây là một môn luyện tập kết hợp giữa sự thăng bằng của người đi dây và sự thận trọng của người tháo gỡ mìn bẫy.
Dưới đây là những điều cơ bản của kỹ thuật leo vách đá:
- Biết nghiên cứu địa hình tổng thể để chọn một lộ trình tốt nhất.
- Tay chân của các bạn lúc nào cũng phải có 3 điểm tiếp xúc với vách đá (2 tay một chân hoặc 2 chân một tay).
- Khi leo bằng tay không thì không nên mang găng tay, nhưng khi leo với dây thừng thì phải mang để tránh phồng dộp tay.
- Trọng lượng cơ thể nằm ở trung tâm của bàn chân. Bàn chân chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể, tay giữ thăng bằng.
- Đế giầy tiếp xúc với vách đá càng nhiều càng tốt. Không nên chỉ bám ở đầu mũi giầy hay cạnh của giầy.
- Khi tạm nghỉ, giữ vị trí làm sao cho nơi bám của bàn tay nằm ngang với ngực. Vì với tư thế nầy, các bạn dễ giữ cho cơ thể thăng bằng theo ý muốn, trong khi tay được nghỉ ngơi tối đa.
- Không nên nằm sát tạo sự tiếp xúc tối đa vào vách đá (vì ở tư thế nầy, các bạn rất dễ bị trượt té), mà nên giữ cho trọng lực và trọng lượng nằm giữa hai bàn chân của các bạn.
- Di chuyển chậm chạp, nhịp nhàng, cân nhắc, thư giãn …
- Vạch sẵn trên lộ trình những bước dự kiến tiếp theo, và cố di chuyển theo những bước đó.
- Tận dụng các điểm bám cho bàn tay, các điểm tựa cho bàn chân có sẵn trong tự nhiên.
- Tránh chồm, vượt những khoảng cách xa mà kết thúc với tư thế xoải tay chân như chim.
- Khi leo lên hoặc xuống một vách núi hẹp, giếng, hang động nhỏ… các bạn phải biết cách sử dụng mông, lưng, chân, tay, vai, đầu gối…
NHỮNG ĐIỀU CẦN GHI NHỚ:
+ Bên sự an toàn mong manh, các bạn không nên liều lĩnh vượt quá giới hạn khả năng của mình.
+ Phải dùng các loại dây chuyên dụng, đúng cỡ, đúng cách.
+ Không ôm nhau trên vách đá
+ Ướm thử các gò đá trước khi đặt toàn bộ trọng lượng lên.
+ Đừng gỡ những gò đá đã có sự liên kết
+ Không nên sử dụng đầu gối, cùi chỏ, mông … (trừ phi các bạn leo trong khe núi hẹp…)
+ Không nên leo đơn độc một mình.
+ Không nhảy phóng, chụp bám bất thình lình.
+ Tránh những nơi đá có rêu phủ, ẩm ướt
+ Lau chùi đế giầy cho sạch trước khi leo.
+ Không sử dụng cây cỏ làm điểm bám tay chân.
+ Không đu mình bằng dây leo, cành cây, bụi cỏ…
+ Không đeo găng tay khi leo bám.
+ Tháo các trang sức, đồng hồ, nhẫn … trước khi leo.
LEO KHI CÓ TRANG BỊ
Khi leo vách đá có trang bị thì tuy có chậm chạp và lỉnh kỉnh hơn, nhưng lại an toàn hơn.
Về kỹ thuật thì cơ bản giống như leo bằng tay không, nhưng chúng ta còn phải biết cách sử dụng dây, piton (nêm đóng), chock (nêm giắt, nêm chèn), búa leo núi…
PITON (nêm đóng)
Piton là một dụng cụ dùng để đóng vào những kẽ nứt của đá, để quàng dây leo núi vào, làm tăng thêm sự an toàn cho người leo núi. Có nhiều loại piton như: Vertical, Horizontal, Angle, Wafer… Mỗi loại dành cho một vị trí và địa thế khác nhau.
Khi được đóng cắm trong một vị trí thích hợp, piton có thể chịu một lực trì kéo hơn 100 cân Anh (45kg) đối với piton Wafer, và 2000 cân Anh (900kg) đối với piton Angle…
Piton có lợi thế hơn chock (nêm chèn) là có thể xoay trở đủ mọi hướng và dễ tìm ra vị trí để đóng. Người ta thường kết hợp piton với khoen bầu dục carabiner (snaplink) để tiện lợi trong việc sử dụng.
Khi chọn những vị trí thích hợp để đóng piton, các bạn phải tìm hiểu về tính chất của đá. Lắng nghe âm thanh dội lại từ đá, khi dùng búa để gõ thử. Nếu âm thanh cao và trong là đá tốt, có thể đóng piton. Nếu âm thanh trầm và đục là đá mềm, dễ vỡ, không nên đóng. Ngoài ra, các bạn cần phải biết chọn đúng địa thế và đặt đúng vị trí thích hợp của từng loại piton thì mới hiệu quả.
Nhổ piton:
Các bạn có thể nhổ piton để thu hồi, bằng cách dùng búa leo núi đánh tới đánh lui cho đến khi piton lỏng thì lấy dây đai của búa làm một nút thòng lọng để nhổ ra.
Ghi nhớ: Không sử dụng loại piton đã dùng rồi (second hand) hoặc đã bị xeo nạy, uốn lại, có tì vết… rất nguy hiểm cho người leo núi.
Búa đóng piton (piton hammer)
Búa đóng piton là loại búa leo núi chuyên dụng, dùng để:
+ Đóng và nhổ piton.
+ Thử tính chất của đá.
+ Tạo khe nứt ở đá.
+ Gõ sạch những mảng dơ (Không dùng để móc, bám…).
+ Chock (Nêm chèn).
Đây cũng là một dụng cụ có công dụng như piton, dùng để hỗ trợ cho các vận động viên leo núi. Nhưng thay vì đóng vào kẽ đá như piton, thì chock lại giắt chèn vào những khe đá thích hợp (khe hình chữ V hoặc khe trong lớn ngoài nhỏ…) Có nhiều loại chock như: Hexagoanl, Wired Stoppers, Cammed Chock… mỗi loại lại có nhiều kích cỡ khác nhau.
Ưu điểm của chock là dễ giắt chèn, dễ tháo gỡ để thu hồi, an toàn... nhưng có nhược điểm là khó tìm ra khe thích hợp.
Tóm lại: Tuy vách đá là một chướng ngại nguy hiểm và khó vượt, nhưng nếu các bạn đã huấn luyện và trang bị đầy đủ thì vẫn khắc phục được.
Du lịch, GO! - Theo Du Lịch Song Hổ và vài nguồn khác.
Leo núi thám hiểm
Chinh phục núi đá chia ra làm các môn:
Bouldering (leo khối đá):
Hoạt động này được tiến hành dựa trên một mỏm đá của vách đá cao. Những đường leo khối đá không bắt buộc phải đi thẳng đứng, mà thình thoảng cũng đi ngang qua mỏm đá. Chúng thường không vượt quá độ cao 4m, làm cho người trèo không có dây thừng vẫn được an toàn.
Môn này càng ngày càng có nhiều người yêu thích, bởi nó dựa trên bản chất của môn leo vách đá, và trên sự chuyển động linh hoạt của cơ bắp. Các đường đi leo khối đá ngắn hơn, khó hơn, và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.
Ngoài ra môn thể thao này chỉ cần một số vật dụng như: giầy leo núi, phấn xoa tay để làm khô mồ hôi tay, một tấm nệm bằng mút ép chặt.
Một số nơi mà có thể tập leo khối đá tại Việt Nam :
- Cà Ná (gần Nha Trang)
- Đầm Môn (gần Nha Trang)
- Đảo Cát Bà
- Hồ Ba Bể
- Vịnh Hạ Long
- Sầm Sơn
- Quốc Oai (Tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 15km)
Deep water soloing (leo núi trên biển):
Có lẽ môn này được xem là một môn thể thao tự nhiên nhất trong các loại hình leo núi. Bởi vì để tập môn này, không cần dây thắt lưng, không cần dây thừng, móc, hay tấm nệm. Chỉ cần một đôi giầy leo núi, vách dá, và sự bảo vệ của biển xanh.
Mục dích là leo những vách đá trên mặt biển, và nhảy xuống nước khi đường kết thúc, hoặc nếu như đá sụp đổ. Hoạt động này khá an toàn, với điều kiện người leo núi phải biết bơi và tránh xa được những con sứa. Tuy nhiên, họ phải tính đến độ cao khi leo bởi vì nếu trèo càng cao thì cũng rất nguy hiểm khi nhảy xuống nước …
Nhờ có vịnh Hạ Long mà leo nui trên biển đã trở thành một môn rất phổ biến tại Việt Nam những năm vừa qua, và Việt Nam dần trở thành điểm đến đầu tiên đối với nhiều người yêu thích môn đó.
Nơi có thể tập leo núi trên biển tại Việt Nam : Vịnh Hạ Long
Trad climbing (leo núi đá nguy hiểm):
Môn này ít phổ biến hơn so với môn leo vách đá. Leo núi đá được thực hiện trên những vách đá mà không được trang bị trước thanh sắt có ốc bắt chặt.
Việc leo trên những vách đá lớn và cao mất nhiều thời gian và sức lực. Hơn nữa, leo núi đá nguy hiểm hơn leo vách đá rất nhiều, bởi vì khi leo núi đá, người leo phải tự tìm ra điểm để móc khuy sắt và, mà khuy sắt đó chỉ được gắn vào núi đá một cách không chắc chắn.
Thêm và đó, những viên đá có thể rơi ra bất cứ lúc nào, nếu như người leo không chắc chắn rằng mỏm đá đó có thể bị tách rời khỏi núi.
Một số nơi mà có thể tập leo núi đá mạo hiểm tại Việt Nam : Hồ Ba Bể
Sport Climbing (leo vách đá):
Leo vách là một loại hình khá phổ biến. Dưới đây là quá trình leo vách đá:
Đầu tiên, những người leo núi – những vận động viên, có khả năng cần thiết và dụng cụ thích hợp, cùng với những vách mốc của vách đá. Trong khi đó, vách đá này phải thẳng đứng, núi đá phải vững chắc và không dễ bị vỡ, mủn, lối lên vách đá không quá khó.
Mặc dù người trang bị là một thành viên trong đội, nhưng phải có trách nhiệm mở đường. Sau đó, anh ta gắn những thanh sắt có ốc bắt chặt vào trong vách đá khoảng 15cm. Những người trèo sau trên đường đi đã được trang bị bằng những thanh sắt có ốc bắt chặt, có thể tiến lên thẳng đứng một cách an toàn.
Leo những đường đó cần hai người được buộc với nhau bằng một dây thừng. Họ đều đeo một dây thắt lưng được gắn với dây thừng qua một móc lò xo. Một người trèo trong khi người kia ở lại dưới đất để giữ an toàn. Mạng sống của người trèo nằm trong tay người ở dưới đất, vì vậy hai người đó nên là bạn thân.
Người leo bằng cách xỏ sợi dây thừng qua lỗ móc khuy sắt. Nên, nếu anh ta ngã, người ở dưới dất sẽ bắt chặt dây thừng và sẽ giữ anh ta lại. Người giữ an toàn dùng một thiết bị cắm lại, vì vậy giữ người ngã mà không cần dùng sức mạnh.
Du lịch, GO! - Theo Leonui.wordpress
Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét