Có lẽ sẽ không là vấn đề gì khi bạn lên xứ hoa nhưng quên mang theo áo lạnh. Thậm chí: nếu áo khoác bạn mang theo không đủ ấm... thì bạn cứ ghé vào khu chợ đồ cũ cạnh chợ Đà Lạt. Chắc chắn rằng bạn sẽ tìm thấy một vài chiếc áo lạnh, áo gió thật vừa ý nhưng giá cả 'bèo' đến ngạc nhiên!
< Khu chợ đồ cũ nổi tiếng tại xứ hoa Đà Lạt.
Nhớ lần mình đi Đà Lạt ngay vào mùa mưa: áo lạnh không quên đâu nhưng khi tạt vào khu chợ này thấy vô vàn những đống áo khoác gần như mới nhưng giá chỉ dăm ba chục ngàn! Vậy là lựa rồi cởi bỏ luôn chiếc áo mình đang mặc và 'thượng' luôn cái mình vừa chọn - vừa đẹp, vừa mới, vừa ấm hơn nhưng giá cả thật... bèo nhèo.
Sầm uất, không có sạp như trong chợ đồ cũ Đà Lạt, nhưng những mảnh nylon, bạt được xếp ngay hàng ở phía ngoài lại vô cùng hấp dẫn cả du khách lẫn người dân ở đây. Khu chợ đặc biệt này nằm ở đầu dốc Hòa Bình, sát bên hông chợ trung tâm Đà Lạt.
Cứ đầu giờ chiều, các miếng bạt được trải ra, cái nằm trên mặt bằng, cái gấp khúc theo bậc tam cấp theo kiểu trải thảm đỏ. Trên đó là quần áo, tất, túi, mũ... cũ. Dường như ngày nào cũng vậy, chợ bắt đầu họp bằng tiếng rao cao vút “Áo khoác đẹp năm mươi ngàn, năm mươi ngàn”. Liền sau là giọng của phụ nữ, nam giới xen lẫn nhau: “Vớ (tất) mười ngàn 3 đôi”, “Áo len ba lăm ngàn hai chiếc”...
Hình như ở đây rất nhiều người miền Trung vào bán hàng nên cái chữ “ngàn” đều biến thành “nghèng” với âm “e” kéo dài rất đặc trưng khiến người đi qua không để ý cũng phải dừng lại xem. Chợ bắt đầu đông người, người ta chỉ còn nghe tiếng “năm nghèng, năm nghèng”, góc kia là “hai lăm nghèng, hai lăm nghèng”. Cứ thế, có khi khách chưa đông mà chợ vẫn xôn xao cả một góc phố.
Nếu khéo chọn, cơ hội để kiếm được những chiếc áo khoác, áo len, áo sơmi hàng hiệu còn mới là rất cao. Có người sau 2 tiếng đồng hồ dạo chợ theo tiếng rao “năm chục nghèng, năm chục nghèng”, “trăm nghèng, trăm nghèng” đã vác về cả túi áo đông và hè.
Có người từ Lai Châu vào, tìm mua áo khoác cho mùa đông lạnh giá đất Bắc đã gặp được vợ chồng người đồng hương bán hàng. Mặc cả qua lại chưa thỏa thuận được giá, bỗng nhiên hỏi thăm người bán hàng quê đâu mà nghe chất giọng quen quen với âm “a” gần thành âm “ô”.
Vợ chồng người bán hàng thật thà: Chúng em quê Quảng Nôm (Quảng Nam), hỏi ra mới biết cùng xã, chỉ khác làng. Quý lắm giây phút gặp đồng hương ở nơi đất khách. Tự nhiên câu chuyện lại trở về với những trưa hè nắng gắt, mặn mòi của miền Trung. Vợ chồng người bán hàng kể không muốn đi xa quê nhưng vì phải có tiền cho con ăn học nên đành lên Đà Lạt, theo mọi người đi lấy đồ cũ về bán.
Nhiều lúc nhớ nhà lắm cũng không dám về vì lại mất cả trăm ngàn vé xe lên xuống. Nhưng rồi, nhớ không chịu nổi thì nhường suất về thăm cho vợ, vì “hắn là đàn bà hay khóc”... Cuộc nói chuyện sẽ còn kéo dài nếu như không có khách hỏi mua hàng. Người vợ dứt khoát không lấy tiền của chị đồng hương. Người đồng hương một hai trả tiền mới cầm áo khoác. Cuối cùng, hai vợ chồng chấp nhận lấy 50.000đ thay cho giá rao “trăm nghèng” ban đầu.
Nếu vào phía trong chợ cũ, giá cả cũng khá mềm, áo da chỉ trên dưới 200.000đ cho loại bình thường nhưng sẽ không được sống giữa cái náo nhiệt “nghèng nghèng”. Đôi khi chợ cũ với những tiếng rao đặc biệt ấy cũng tràn ra cả lòng đường khiến cảnh sát, trật tự phải đi dẹp.
Cuối tháng 4, chính quyền TP Đà Lạt đã tiến hành giải tỏa khu chợ này nhưng gặp phản ứng mạnh của người buôn bán. Điểm bán hàng rong này tồn tại đã nhiều năm và trở thành nét đặc trưng của khu phố đêm quanh chợ Đà Lạt và khu Hòa Bình, trở thành sản phẩm du lịch mà du khách rất yêu thích. Giờ đây, nếu Đà Lạt thiếu những tiếng rao ấy thì hẳn sẽ rất buồn.
Mong là TP Đà Lạt sẽ nghiên cứu và đưa ra phương án để tạo điều kiện cho bà con buôn bán, lại giữ nét đặc trưng của một khu chợ đồ cũ nổi tiếng trên xứ hoa.
Du lịch, GO! - Trích từ báo Lao Động số 6, tháng 1, ảnh internet
Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét