Trong lúc cả nước đang hướng về đất Tổ để tưởng nhớ các vị vua Hùng ngày mồng mười tháng ba, chúng tôi lại quyết định tổ chức một chuyến đi về phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế để chứng kiến cuộc sống của con cháu của một trong 50 người con của dòng giống Lạc Hồng đã chia tay người anh cả để rồi đến định cư tại vùng cao A Lưới.
< Dốc Kim Quy.
Sau khi vượt qua những con dốc cao và những đoạn đường ngoằn ngoèo, chúng tôi đã đặt chân đến địa phận của huyện A Lưới...
< Nếu thay những cây tràm bằng cánh rừng thông thì người ta cứ ngỡ rằng đây là đoạn dốc cuối đèo Prenn của Đà Lạt.
Khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngọn núi, những con đèo tiếp nối nhau rồi lên cao, cao vút. Hai bên đường là những cánh rừng trồng và những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn như nối tiếp nhau chạy dài đến vô tận.
< Từ trên cao nhìn xuống, công trường thủy điện A Lưới đang thi công. Hy vọng trong thời gian sắp đến Huế sẽ không còn bị cắt điện luân phiên.
A Lưới là một huyện miền núi biên giới của tỉnh Thừa Thiên - Huế, tiếp giáp với Lào ở phía Tây. A Lưới có diện tích 13,55 km², dân số năm 1999 là 5019 người, mật độ dân số đạt 370 người/km².
< Khi chưa chiếc cầu bên kia, con đập tràn này đóng một vai trò rất quan trọng trong tuyến giao thông từ Huế lên A Lưới. Tuy đã bị sạt lỡ nghiêm trọng nhưng vẫn không có một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Về giao thông, thị trấn được nối với thành phố Huế bằng quốc lộ 49, là một quốc lộ rất hiểm trở có ba đèo cao và vực sâu, trong đó đèo A Co dài 16 km.
< Một đoạn đèo A Co.
Rời những con dốc mềm, đèo A co hiện ra trước mắt chúng tôi. Đèo A Co được xem là con đèo cao nhất và nguy hiểm nhất trong tuyến đường quốc lộ 49 nối liền Huế đến A Lưới.
Càng lên cao, con đường càng hẹp dần, mức độ nguy hiểm cũng từ đó mà tăng lên. Một bên là triền núi với những đoạn ta luy cao vút như có thể sạt xuống và lấp lấy con đường, phía bên kia là vực sâu thăm thẳm. Khung cảnh nhày càng trở nên hùng vĩ.
< Thấp thoáng dưới kia là thị trấn A Lưới.
Đổ đèo A Co một quãng, một con đường bằng phẳng dẫn chúng tôi đến ngã ba Sơn Thủy - Nơi tiếp giáp giữa quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh. Dọc theo con đường Hồ Chí Minh theo hướng Bắc khoảng 7 km, chúng tôi đã về đến thị trấn A Lưới.
< Trục đường HCM (QL14) cắt ngang thị trấn.
Thị trấn A Lưới là một thung lũng dài và hẹp nằm dọc theo trục của tuyến đường Hồ Chí Minh với dân số khoảng hơn 6 ngàn trong đó đa số là người Kinh lên đây định cư.
< Một số khoảng đất trũng trồng được lúa nước còn lại là lúa nương.
Xung quanh thị trấn về phía Tây, phía Bắc và phía Nam của thị trấn là các bản làng của đồng bào dân tộc Pa Koh, Tà Ôi, Bru - Vân Kiều thuộc các xã lân cận như A Ngo, Hương Lâm, A Đớt, Hồng Kim, Hồng Thượng,...
Chúng tôi dừng chân nghỉ lại tại ngôi nhà nhỏ của một thầy giáo từ Huế lên đây công tác. Nhìn ra xung quanh, đất đai vùng này không mấy ưu ái cho nông nghiệp duy chỉ có khí hậu mát mẻ của vùng cao nên hoa lá đua nhau khoe sắc. Đời sống của đại đa số đồng bào ở đây vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cái nghèo.
< Một bản làng của đồng bào thiểu số ven đường.
Buổi chiều, chúng tôi lần theo con đường Hồ Chí Minh về phía Nam để tận mắt chứng kiến cái hầm đường bộ do người Việt Nam tự thiết kế và thi công ở xã A Roàng.
< Đoàn người vào rừng kiếm củi trong đó có cả những em bé vừa lên tám, lên mười.
Rời xa thị trấn khoảng vài km, cái cảnh sung túc dần tan biến, thay vào đó là những bản làng thưa thớt của đồng bào thiểu số. Hết Hồng Thượng đến Hương Lâm, một xã được xem là nghèo nhất huyện A Lưới.
< Một ngôi nhà gỗ ven đường.
Đã thế, vùng đất này còn phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh. Đâu đó dưới lòng đất này, trong những thớ đất, những mạch nước xung quanh sân bay A Sầu là chất độc màu da cam (Dioxin) còn đọng lại.
< Một ngôi nhà gỗ thật đẹp giữa đồng.
Cảnh đập lúa và tuốt lua bằng tay ở vùng xuôi giờ đây hiếm ai trông thấy nhưng ở đây dường như là phổ biến. Trẻ con và thanh niên ở đây cũng chẳng có gì để giải trí ngoài việc tụm năm tụm ba ngồi ở vệ đường nhìn xe cộ qua lại.
Xe chúng tôi lại tiếp tục lăn bánh, càng về chiều trời càng se lạnh, khung cảnh làng mạc giờ đây được thay thế bằng những cánh rừng nguyên sinh. Không khí ngày càng trở nên ẩm ướt. Trên đầu chúng tôi bắt đầu
xuất hiện những làn sương trắng mỏng.
< Rừng nguyên sinh Đông Trường Sơn.
Hai bên đường, khu rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ xếp thành từng tầng, tán vươn ra như ôm chầm lấy nhau. Bên dưới là những cây dương xỉ thân gỗ có tuổi đời chắc phải đến hàng chục năm.
Đến đỉnh đèo, sương mù như phủ kín cả lối đi. Những chiếc áo ấm giữa mùa hè đã được phát huy tác dụng. Trong lúc ở Huế mọi người phải sống trong cái nóng oi bức, thêm vào đó là việc cúp điện luân phiên làm cho cái nóng gay gắt càng gây thêm cảm giác ngột ngạt thì chúng tôi lại được tận hưởng cái se lạnh của mùa đông trên núi cao. Sương mù đọng lại thành giọt hay là mưa phùn ? Cũng khó mà phân biệt được. Thế rồi cửa hầm cũng hiện ra
Khung cảnh vắng lặng, không một bóng người. Trạm thu phí bỏ hoang vì không phát huy được tác dụng. Chúng tôi cố gắng tìm cái bảng ghi những thông tin về hầm nhưng cũng chả có, chỉ có một cái cột bê tông đang nằm chờ để được gắn biển. Không có điện, miệng hầm tối om, đen ngòm và sâu thẳm. Cảnh vật vắng vẻ đến rợn người.
Phía vách bên kia là dấu tích của CLB Sài Gòn CD. Họ cũng đã có lần đặt chân đến nơi này.
Dulichgo: Có lẽ bạn tránh làm việc này. Nếu nhóm phượt nào cũng lăm lăm bình sơn xịt và kẻ chữ bất kể chốn nào họ đã tới thì những nơi này sẽ thế nào?
Sau một phút ngần ngại, chúng tôi quyết định đi sang phía bên kia. Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, xã A Roàng, A Đớt là những xã cuối cùng của huyện A Lưới nên có thể vượt qua cái hầm tối om này là chúng tôi đã đặt chân lên đất của tỉnh bạn.
Sang phía bên kia, sương mù dày đến nỗi chỉ đứng cách nhau khoảng chục mét là không nhìn thấy mặt nhau. Trời cũng đã xế chiều nên chúng tôi quyết định quay trở về để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chương trình buổi tối.
Ngược gần 40 cây số, chúng tôi trở lại thị trấn A Lưới, trời cũng đã nhá nhem. Chủ nhà, khách và một vài người bạn lần đầu tiên gặp gỡ cũng đã có mặt đông đủ. Xưng bạn bè cho thân tình nhưng thực ra có rất nhiều thành phần, thuộc nhiều thế hệ, lớn có, nhỏ có, thầy có, trò có thậm chí có cả lãnh đạo huyện cũng đến chung vui cùng chúng tôi. Ai có thịt đem thịt, ai có bia mang bia. Thế là chúng tôi có một bữa tiệc rất đầm ấm.
A Lưới từng là vùng đất nổi tiếng của chiến trường Trị - Thiên trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, mảnh đất A Lưới và con người nơi đây đã ghi nên bao chiến công oanh liệt với nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử. Trong chiến tranh, đồng bào các dân tộc ở A Lưới đùm bọc, che chở, giúp đỡ, bảo vệ cán bộ, bộ đội và để lại nhiều dấu tích anh hùng.
Các địa danh được ghi dấu như cụm địa đạo Động So, địa đạo Lam Sơn, đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm - Hamburger Hill - di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia), động Tiên Công, địa đạo Puúc, địa đạo AĐoon, địa đạo ABó, địa đạo Tà Lương, địa đạo Cốp, sân bay ASo, đèo Mẹ Ơi, suối Máu, sân bay ALưới, sân bay ACo… Đó là điều kiện thuận lợi để A Lưới phát triển loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng.
Du lịch, GO! - Theo Blog's phố núi A Lưới, Wikipedia... và nhiều nguồn khác.
Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét