Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Buồn vui trên những cung đường.

Phượt từ lâu là niềm đam mê với nhiều bạn trẻ, và việc khám phá những miền đất mới lạ đã trở thành thú vui đối với họ...

Mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm, tuy nhiên ở đó cũng có không ít câu chuyện đáng tiếc. Có không ít sự việc không may xảy ra với dân phượt, nhưng đâu đó vẫn còn những bạn trẻ chưa thật sự ý thức được sự hiểm nguy trên những cung đường.

Đôi nam nữ gặp nạn trên cung đường Thái Nguyên - Bắc Kạn

Cuối tháng 2/2009, dân phượt sửng sốt và đau xót khi nghe tin về vụ tai nạn trên cung đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn khiến bạn trai cầm lái tử nạn.

Bạn nam tử vong còn bạn nữ ngồi sau bị chấn thương sọ não. Hai người này đều còn rất trẻ, cùng sinh năm 1988. Bạn nam quê ở Quảng Ninh, sinh viên ĐH Mỏ Địa chất, còn bạn nữ người Nghệ An, học ĐH Kinh tế Quốc dân và là lần đầu tiên đi phượt và đó cũng chính là lần cuối cùng của họ.

Chụp ảnh, bị nước suối cuốn trôi

Tháng 9/2010, nhiều người bàng hoàng về cái chết của hai thành viên nhóm phượt “Dìm hàng pro - DHP” (một nhóm chuyên phượt) trên cung đường khám phá miền Tây Bắc. Trưa ngày 4/9, khi đi đến đoạn quốc lộ 279 đoạn giáp ranh giữa xã Minh Lương và xã Dương Quỳ (cùng huyện Văn Bàn), Nguyễn Thu Hiền (sinh năm 1983, quê Thái Bình) cùng một tốp bạn 6 người xuống ven suối Chăn gần đó chụp ảnh kỷ niệm.

Không may Hiền trượt chân ngã xuống suối và bị dòng nước chảy mạnh cuốn đi. Anh Nguyễn Khánh Nguyên (sinh năm 1982, quê Hải Phòng) cùng một số người khác nhảy xuống suối cứu chị Hiền, nhưng anh Nguyên cũng bị nước suối nhấn chìm và cuốn trôi.

Thông tin này đã khiến nhiều người không khỏi hoang mang, đau buồn. Cộng đồng phượt đồng loạt thay avatar cùng các chia sẻ bày tỏ lòng thương tiếc và nỗi buồn cho số phận không may của hai bạn trẻ.

Mặc dù trước khi đi phượt, những thành viên trong nhóm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe, tinh thần và kinh nghiệm nhưng chỉ vì một phút bất cẩn, đã cướp đi sinh mạng của 2 thành viên trong đoàn. Đây cũng chính là bài học cảnh tỉnh với các phượt thủ nên cẩn trọng ngay cả khi đến những địa điểm tưởng như an toàn nhất, và hơn nữa không nên tách đoàn đi riêng lẻ trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tháng 7/2012, một bạn gái sinh năm 1991 đã tử vong trên đường chinh phục cực Đông của Việt Nam do đuối sức và thiếu hụt dinh dưỡng nhiều ngày.

Nam sinh mất tích khi leo Fansipan

Và mới đây nhất là sự việc mất tích của Phạm Ngọc Anh (sinh năm 1993, ĐH Mỹ thuật công nghiệp HN) - Nam sinh viên này đã mất tích ở đoạn dốc 2.800m sau khi chinh phục Fansipan. Đây là khu vực có địa hình hiểm trở với nhiều triền đá và vực sâu.

Hơn 10 ngày sau khi mất tích, đoàn cứu hộ vẫn chưa tìm thấy được nam sinh viên này. Được biết, trước đó Ngọc Anh cùng đoàn leo núi gồm 5 người chinh phục Fansipan, sau khi đến đỉnh, chiều cùng ngày, cả đoàn cùng nhau trở về thị trấn Sapa. Trên đường về, Ngọc Anh đã tách đoàn để về điểm nghỉ 2.800m trước, 4 người còn lại về sau.

Khi đoàn 4 người về đến trạm nghỉ 2.800m thì không thấy Anh đâu nên đã cùng nhau đi tìm và báo cho lực lượng kiểm lâm thường trú trên núi cùng tìm kiếm nhưng không thấy. Được biết, đây là trường hợp mất tích hy hữu đầu tiên đối với các đoàn leo núi Fansipan.

Thông tin này một lần nữa gây hoang mang cho không ít phượt thủ, việc Ngọc Anh “lành ít, dữ nhiều” khiến cộng đồng phượt không khỏi lo lắng. Đây cũng một lần nữa là lời cảnh tình về sự an toàn và cẩn trọng hết mức cho các thành viên có ý định đi phượt.

Trước những hành trình chứa đựng đầy rẫy sự rủi ro trong những chuyến đi khám phá đầy mạo hiểm, các bạn trẻ nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng kinh nghiệm về hành trình của mình, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết đặc biệt là sức khỏe để hạn chế những tai nạn đáng tiếc.

Đối với những bạn trẻ trót mang trong mình đam mê được đi và khám phá những miền đất hùng vĩ, những thử thách, khó khăn không khiến họ nản lòng. Tuy nhiên, việc trang bị vốn kiến thức tốt nhất cho bản thân để đi và trải nghiệm khác với việc liều mình, bất chấp mạng sống để được trải nghiệm. Hãy chuẩn bị tinh thần, kiến thức thật tốt trước khi đi phượt.

Những chuyện 'nhớ đời' trên hành trình phượt.

Trong một lần leo Phan Xi Păng, vì chuẩn bị không kỹ giày cứng, thiếu tất, có anh chàng chân bị rát và phồng nên đành phải xin các bạn nữ... băng vệ sinh để làm tấm lót đi cho êm.

Mùa phượt

Mỗi năm, vào mùa xuân, những người đam mê du lịch bụi lại rủ nhau "trên từng cây số", khi mà những ngày lễ dồn dập đến và mọi người được nghỉ dài ngày.

Nếu miền Nam hấp dẫn với các chặng đường đi Phú Quốc, Côn Đảo, Đồng Tháp Mười, Hà Tiên..., miền Bắc với những cái tên như Mù Cang Chải (Yên Bái), Đồng Văn – Mèo Vạc (Hà Giang), cao nguyên Mộc Châu (Hòa Bình)... luôn mời gọi giới trẻ khám phá, thì miền Trung lại quyến rũ du khách với Tây Nguyên bao la hùng vĩ, thành phố Ban Mê Thuột, Pleiku hay địa danh cửa khẩu Bờ Y, cột mốc Đông Dương...

Anh Châu Anh (40 tuổi, làm việc trong lĩnh vực kinh doanh tại Đà Nẵng), một người đã trải qua rất nhiều chuyến phượt ở miền Nam, mới đây đã thực hiện chuyến đi lên cửa khẩu Bờ Y, cột mốc Đông Dương (Kon Tum). Cùng với 13 người bạn của mình, anh Châu Anh đã vượt qua khoảng 850 km (cả đi lẫn về) bằng xe máy.

"Thời còn sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã có những chuyến đi Đồng Tháp Mười hay lên Tây Nguyên rồi. Khi về làm việc tại Đà Nẵng, tôi khá lo lắng vì không biết các bạn ở đây có “máu” đi không, và điều bất ngờ là sau khi đăng tin tìm bạn phượt cửa khẩu Bờ Y, cột mốc Đông Dương thì đã rất nhiều bạn tham gia", anh Châu Anh chia sẻ.

"Phượt" vốn là niềm đam mê của những người thích mạo hiểm, muốn thử thách bản thân, thích khám phá không chỉ thiên nhiên hoang dã mà còn muốn được tận hưởng những món ăn, những nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng đất mình đặt chân đến.
Trong hành trình lên Kon Tum, anh Châu Anh và nhóm bạn của mình đã thưởng thức món ếch nướng ống tre độc đáo của người dân tộc, hay qua cửa khẩu ăn gà Lào, uống rượu Lào trong một không khí cũng rất Lào.

Trong khi đó, đến hẹn lại lên, rất nhiều người trẻ ở miền Bắc sục sôi đi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng (Lào Cai). Một chủ cửa hàng chuyên bán đồ bảo hộ lao động và dụng cụ để phượt (Yết Kiêu, Hà Nội) cho biết: "Mấy hôm nay nhiều người đến mua đồ để đi leo núi lắm, chưa năm nào đông người đi như năm nay".

Đỉnh Phan Xi Păng với chiều cao 3.143 m là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong 3 nước Đông Dương nên được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương". Phan Xi Păng cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km, cho nên ngoài niềm khao khát chinh phục đỉnh cao, tại vùng đất này, những người "phượt" sẽ được cảm nhận những nét đẹp của văn hóa người Mông hay thưởng thức những món ăn nướng thơm lừng của người dân nơi đây. Chính vì thế, mỗi mùa đông hay mùa xuân về, đây luôn là tâm điểm của những người mê phượt.

Những chuyện "khắc cốt ghi tâm"

Trong hành trình lên cửa khầu Bờ Y vừa qua, một thành viên trong đoàn 16 người của anh Châu Anh đã gây bất ngờ bởi cái duyên thay lốp, thay xăm. Lúc đi, xe của người này bị thủng xăm, nhưng là những người phượt chuyên nghiệp nên mọi người đã thay được ngay tức thì, để đảm bảo an toàn, đi được một đoạn thì mua thêm lốp xe để tiếp tục hành trình cho yên tâm. Tuy nhiên, trên đường về, một lần nữa anh chàng này lại bị thủng xăm và lại phải tiếp tục.

Đường lên Bờ Y nhiều khúc cua nguy hiểm, đây lại là những chuyến đi bằng xe máy đầy gió và nắng, cho nên nhiều bạn nữ, dù rất bản lĩnh cũng có lúc hoảng hốt, nhất là đến những đoạn đổ đèo, các cô gái chỉ có thể xin dừng xe và... đi bộ.

Nhưng có lẽ, hành trình chinh phục đỉnh Phan Xi Păng với những chuyến trèo đèo lội suối, ngủ đêm trong rừng... đã mang lại những kỷ niệm không thể nào quên đối với nhiều người trẻ. Chị Phạm Thu Loan (Trưởng phòng chăm sóc khách hàng một doanh nghiệp phần mềm tại Hà Nội) cho biết chuyến đi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng đã để lại vô số những chuyện cười của chị và đồng nghiệp.

Tháng 2 vừa qua, chị Loan cùng hơn 100 thành viên trong phòng đã có chuyến leo Phan Xi Păng, trong đó có hơn một nửa từ TPHCM bay ra nhập cuộc. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, một cô gái đã phải "méo mặt" vì không mang theo giày leo núi, trên chân cô là một đôi giầy búp bê, và để vượt qua hàng nghìn mét trước mắt thì đó là điều không thể. Cuối cùng, một người vận chuyển đồ (porter) đã chủ động cõng cô leo lên núi, và chính anh cũng là người đưa cô trở về.

Trong hành trình đó, vì mới đi nên mọi người chưa đặt trọn niềm tin, và rất lo lắng, nhỡ người đàn ông "cõng đồng nghiệp của mình đi đâu mất thì thôi rồi". Thế là, mọi người dặn dò nhau phải theo sát cặp đôi này, dọc đường đi phải luôn luôn dõi theo màu áo của nhân vật chính chẳng khác gì thám tử.

"Mọi người lúc đầu cứ nghĩ là người đàn ông đó làm vì tiền, hoặc vì cô gái đó xinh đẹp. Thế nhưng khi tìm hiểu thì không phải, và thậm chí lúc kết thúc hành trình, anh ấy không lấy tiền khiến ai cũng bất ngờ. Đó cũng là một phút giây lắng đọng về tình người trong xã hội hiện nay", chị Loan chia sẻ.
Cũng vì chuẩn bị không kỹ giày cứng, thiếu tất... nên trong quá trình leo núi, có bạn chân bị rát, phồng, đành phải xin các bạn nữ... băng vệ sinh để làm tấm lót đi cho êm.

Mặc dù đã tập luyện hàng tháng trời, thế nhưng trong quá trình leo núi, nhiều cô gái chỉ có khóc và khăng khăng không chịu đi tiếp. Và khi trèo lên một ngọn núi nào, đến gần đỉnh thì cả nam hay nữ đều bò bằng tứ chi. "Mọi người trong đoàn lúc đó cứ gật gù, công nhận động vật nó thông minh thật, nó đi bằng hai chân nên mới dai sức như thế, mình có hai chân, đi sao nổi", chị Loan nói vui.

Một trong những điều mà có lẽ những người sắp leo Phan Xi Păng sẽ ngạc nhiên, đó là khi đã đứng trên đỉnh nóc nhà Đông Dương rồi, sau cảm giác sung sướng, tự hào... thì các phượt gia sẽ thiểu não nhìn và hỏi nhau: "Giờ thì làm sao mà xuống đây?"

Với nhiều người, khi bắt đầu một hành trình, và thậm chí cả khi đã đi được một phần quãng đường, có thể sẽ tự hỏi "sao mình đến đây để làm cái điều khổ sở thế này?".

Tuy nhiên, những ai đã đi, và vượt qua, thì đều đã có những trải nghiệm quý giá và có những khoảnh khắc không thể nào quên trong suốt cuộc đời mình, đặc biệt là đã vượt qua chính bản thân mình. Đó là điều khiến những chuyến phượt luôn hấp dẫn với người trẻ.

Du lịch, GO! - Theo Đất Việt, Inlook.vn, ảnh internet

Bạn trẻ dễ gặp nguy hiểm khi đi 'phượt'
Dân ‘phượt điên’ và những kỷ niệm kinh hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates