Pages

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Bánh gừng Khmer

Bánh gừng là món ăn chơi của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Nếu có dịp ghé các địa phương có người dân tộc này cư trú vào những ngày lễ tết của họ, như Chol Chnam Thmay (mừng năm mới), Prôn-chung-bân (thường gọi là Pithi Sen Dolta, ngày lễ cúng ông bà tổ tiên), Ok Om Bok (lễ cúng trăng)... du khách sẽ được thưởng thức hương vị bánh gừng, mà người Khmer gọi là Num-khơ-nhây.

Loại bánh truyền thống, đặc sắc này còn có mặt ngay cả trong những lễ lạc nhỏ, trong sinh hoạt giao tiếp quan trọng thường ngày, như đám làm phước, lễ dâng y, lễ dâng bông, đám hỏi, đám cưới…

< Bánh gừng có hình san hô.

Khách đến nhà vừa nhai miếng bánh béo, giòn, thơm ngon, tan dần trên mặt lưỡi, nhấp ngụm trà nóng vừa bàn chuyện chùa chiền, vụ mùa, mua bán, hạnh phúc lứa đôi, ma chay… thật là thích thú.

Không mấy cầu kỳ, bánh gừng được làm bằng nếp. Thông thường, để có được chiếc bánh ngon, người ta chọn loại nếp to hạt, màu trắng đục. Nếp đem vo sạch, để ráo nước, cho vào cối quết nhuyễn rồi đem sấy hoặc phơi khô. Cứ 1 ký bột nếp, người ta trộn vào đó 30 quả trứng gà, l muỗng canh bột nang mực, một ít nước chanh tươi. Đập trứng gà cho vào cái âu, hoặc tô lớn đã có sẵn nước cốt trái chanh và bột nang mực, đánh đều tay cho đến khi nào thấy nổi rễ tre thì cho bột nếp vào. Trộn hỗn hợp này lại cho đều rồi dùng tay nhồi cho tới khi có thể nắn bột thành những chiếc bánh có hình thể tương tự như củ gừng là được.

< Nghệ nhân Khmer đang biểu diễn chiên bánh gừng trong lễ hội “Sắc xuân miệt vườn” Tết Quý Tỵ - 2013, được tổ chức tại Bảo tàng TP Cần Thơ.

Tiếp theo, người ta thả chúng vào nồi dầu (hoặc mỡ) đang sôi. Bánh chiên vàng gắp nhúng vào vịm đường cát trắng đã thắng sền sệt, áo thành lớp mỏng bên ngoài rồi đem phơi nắng. Thế là người ta đã có những chiếc bánh gừng hấp dẫn, bất cứ những ai khó tánh cũng đều phải khen ngon khi được thưởng thức. Nhưng, để có những chiếc bánh thẳng thớm, không bị cong vênh, người ta thường hay dùng nồi để chiên bánh thay vì chiên bằng chảo như thường làm với các loại bánh khác.

Ngoài việc để đãi khách, bánh gừng còn là một thứ trang trí góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp, kể cả sự long trọng trong những ngày lễ, tết. Trong những ngày lễ trọng đại ấy, người ta ghim những chiếc bánh gừng vào các que tre, cắm xung quanh chiếc trụ tròn bằng gỗ hay đất sét trang trí hoa văn sặc sỡ bằng giấy màu rồi đem chưng trên bàn thờ. Tùy theo cảm nhận của mỗi người, chúng ta có thể hình dung những chiếc bánh gừng đó là những chiếc gạc nai hay một nhánh san hô…

< Bánh gừng có dạng như chùm hoa.

Trong phong tục đồng bào Chăm, bánh gừng cũng là “nhân vật” quan trọng trong các lễ hội, nhất là ngày tết Katê, cùng với bánh tét (paynung) và bánh gang tay (gakiya). Người Chăm quan niệm, bánh tét là “dương”, tượng trưng cho người chồng; bánh gang tay thuộc “âm”, tượng trưng người vợ; bánh gừng (gọi là Hargìnònya) hòa hợp âm dương, tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng. Ngoài ra, khi thưởng thức bánh gừng, người Chăm còn hồi nhớ đến nàng Nai Chrao Cho Phò, người đàn bà chung thủy. Truyền thuyết về người đàn bà đáng kính này giống truyền thuyết về các hòn vọng phu của người Kinh.

Du lịch, GO! - Theo Phương Kiều (The SaigonTimes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates